Thượng tá Phạm Quốc Huy, Đồn trưởng Đồn biên phòng Hữu Nghị (Lạng Sơn), cho biết sau khi các ngành chức năng làm “rát”, dân buôn lậu đã chuyển hướng “đánh” hàng từ Trung Quốc qua các đường mòn, đường tắt trên tuyến biên giới thuộc địa bàn huyện Cao Lộc, nơi đồn đóng quân. Và mặc dù, giá vận chuyển mà các chủ đầu nậu phải trả cho dân cửu vạn vác hàng qua khu vực này cao hơn tới 4 - 5 lần so với ở các huyện lân cận nhưng lượng cửu vạn và hàng lậu tập kết sát biên giới vẫn tăng lên đáng kể. Nhiều điểm nóng về buôn lậu đã mọc lên. Những ngày giáp tết, theo thượng tá Huy, anh em chiến sĩ của đồn đang phải căng mình chốt chặn trên các tuyến biên giới 24/24 giờ, 5 lán dã chiến được dựng lên ngay sát các đường mòn, đường tắt.
Chiến thuật của dân buôn lậu
Suốt cả buổi sáng đến tận 2 giờ chiều một ngày đầu năm 2011, khu vực biên giới Khe Bà Đen im ắng lạ thường. Trên tuyến biên giới này, tịnh không một bóng cửu vạn. Các chiến sĩ biên phòng do đích thân thiếu tá Lý Văn Thường, Phó đồn trưởng quân sự Đồn biên phòng Hữu Nghị, chỉ huy vẫn kiên nhẫn chốt chặn tại 2 lán dã chiến gần đó, dõi mắt quan sát. Sau 2 giờ chiều, dân buôn lậu bắt đầu “ngày làm việc mới”, kéo dài đến tận sáng sớm hôm sau. Đội quân cửu vạn tay cầm dây thừng, bao tải, khoác trên vai “tấm đệm” làm bằng giấy bìa cứng hoặc đệm mút tìm mọi đường ngang, lối tắt ùn ùn sang bên kia biên giới. Các chiến sĩ biên phòng dù nỗ lực hết sức nhưng vẫn không sao ngăn chặn hết các nhóm cửu vạn băng rừng, vượt núi sang điểm tập kết bên kia biên giới. “Họ xé lẻ đội hình, đi theo từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm đi một lối riêng, thậm chí cửu vạn đàng hoàng qua cửa khẩu một cách hợp lệ rồi được đầu nậu đưa về nơi tập kết đã định sẵn từ trước. Lực lượng của mình rất mỏng, không thể bịt kín các đường tắt, đường mòn. Thậm chí, anh em mình có mặt ở đó cũng không ngăn cản được cửu vạn - thực chất là người dân địa phương lên núi. Cửu vạn cầm theo dao, bao bì, dây thừng và nói lên núi hái củi về đun nấu, mình không bắt họ quay về được”, thiếu tá Thường nói.
Chuyện bị cướp lại hàng diễn ra như cơm bữa. Thủ đoạn chúng ưa dùng là xông vào vừa ôm chặt lấy bộ đội vừa la làng Thiếu tá Lý Văn Thường |
Vung lưới
7 giờ 30 tối. Trời miền biên ải tối đen như mực. Trên các đỉnh núi khu vực Khe Bà Đen, ở ngay sát phía bên kia biên giới, lấp ló ánh đèn pin. Thậm chí, dân cửu vạn còn đốt lửa đuổi rét, đợi chờ... Cảnh tượng này khác xa so với suy đoán của chúng tôi trước đó, rằng dân cửu vạn phải lén lút trong lúc “đi” hàng. “Có khi chúng tôi ngồi bên này, cửu vạn ngồi bên kia. Gần lắm. Còn nhìn thấy mặt nhau kia mà”, thiếu tá Thường nói.
Quan sát kỹ lưỡng các động thái của đám cửu vạn, các chiến sĩ biên phòng quyết định sẽ “đánh” trận. Phải đánh lừa đám “chim lợn” thì mới chắc phần thắng. Theo kế hoạch tác chiến đã được vạch ra, toàn bộ quân số chốt ở khu vực này đồng loạt bật đèn pin sáng trưng soi đường rút về. Cùng thời điểm này, một tổ phục kích gồm 6 chiến sĩ đem theo công cụ hỗ trợ, đội mũ cối để tránh đá “lạc” bay trúng vào đầu và chó nghiệp vụ xuất phát từ lán dã chiến 05. Tổ phục kích không sử dụng bộ đàm vì sợ dân buôn lậu bắt sóng mà liên lạc với nhau qua điện thoại di động đã tắt chuông. Đèn pin đem theo nhưng tuyệt nhiên không được bật khi phục kích.
Thấy ánh đèn pin của tổ chốt chặn biên phòng rút về, “chim lợn” báo tin cho cửu vạn tràn qua. Ước chừng có khoảng 100 người vác hàng ngay lập tức tràn qua biên giới. “Tất cả đứng im”, thiếu tá Thường hô lớn. Đoàn cửu vạn khựng lại vài giây rồi bỏ chạy tán loạn. 3 cửu vạn bị bắt tại trận. Hàng lậu bao gồm quần áo trẻ em, dây cáp điện thoại. Chó nghiệp vụ xông ra khóa đuôi đoàn cửu vạn.
Chỉ vài phút sau, cả trăm cửu vạn vừa vác hàng chạy ngược về phía Trung Quốc cất giấu đã kịp quay lại tính chuyện giải cứu đồng bọn và cướp lại hàng. Họ chửi bới lực lượng bắt giữ bằng những lời lẽ thô tục. Chó nghiệp vụ đứng chặn giữa đường mòn. Cửu vạn nào mon men tiến đến, lập tức bị chó nghiệp vụ lao tới uy hiếp đành phải lùi lại. Các chiến sĩ biên phòng chia nhiều nhóm nhỏ, nhanh chóng đưa hàng xuống núi. Chó nghiệp vụ chốt sau cùng, đi giật lùi để canh chừng những cửu vạn quá khích.
Thiếu tá Thường yêu cầu tổ phục kích nhanh chóng đem hàng về lán 05 đồng thời thông báo cho đồng đội ở các chốt khác tăng cường đề phòng cửu vạn và chim lợn đón lõng tại lán cướp lại hàng. Đúng như dự đoán, tại khu vực lán 05, khoảng chục cửu vạn đã... chờ sẵn. “Chuyện bị cướp lại hàng diễn ra như cơm bữa. Thủ đoạn chúng ưa dùng là xông vào vừa ôm chặt lấy bộ đội vừa la làng “bộ đội đánh người mọi người ơi” để đồng bọn tẩu tán hàng”, thiếu tá Thường nói. Cửu vạn đa phần là dân địa phương, bị chủ hàng “cột chặt” bằng đủ thứ luật lệ và lợi ích kinh tế nên rất liều lĩnh.
“Họ đi 100 vác, mình bắt được 3 vác coi như cũng đã là thành công rồi. Muốn bắt cả 100 vác, chúng ta phải có ít nhất 200 người. Nhưng lực lượng mình mỏng quá, chúng tôi có 7 người, được tăng cường thêm 4 đồng chí cơ động nữa nhưng phải căng mình chốt trực tại 4 điểm” thiếu tá Thường nói. Theo vị phó đồn trưởng này, ngày mai, nếu muốn đánh hàng lậu, chắc chắn các chiến sĩ biên phòng lại phải thay đổi phương án vây bắt, nếu bổn cũ soạn lại, sẽ bị “chim lợn” bắt bài ngay.
Đường đi của hàng lậu Ông Hoàng Văn Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, cho biết do nhu cầu hàng hóa trong dịp tết tăng đáng kể, hoạt động buôn lậu hàng từ Trung Quốc về Việt Nam trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, ước tăng khoảng trên 3 lần so với bình thường và diễn biến phức tạp. Hàng từ bên kia biên giới sau đi được đưa xuống núi nhanh chóng tẩu tán rồi lại tuồn về khu tập kết trong nội địa. Lúc này, theo ông Sơn, hàng lậu được “phù phép” bằng các hóa đơn do những hộ kinh doanh phát hành, rồi “lên xe” túa đi tiêu thụ ở khắp nơi. “Trừ hàng cấm, phần lớn hàng lậu về đều được “hô biến” bằng cách này. Một phần hàng lậu không hợp thức hóa được cũng tuồn về xuôi bằng nhiều thủ đoạn tinh vi”, ông Sơn nói. Theo ông Sơn, lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới, các chủ đầu nậu hàng lậu đã thuê người dân ở khu vực biên giới thuộc địa bàn huyện Văn Lãng và Cao Lộc đi gánh hàng. Với tiền công cao, trên dưới 300 ngàn đồng/người/ngày, đông đảo người dân đã tham gia gánh hàng, có gia đình cả vợ chồng, con cái cùng đi làm thuê cho chủ hàng lậu. Hiện các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, quản lý thị trường đang quyết liệt triển khai các biện pháp chặn bắt hàng lậu. 15 lán dã chiến đã được dựng và cắt cử lực lượng liên ngành canh gác 24/24 giờ trong ngày tại các điểm “nóng”. Tuy nhiên do địa hình biên giới hiểm trở, nhiều đường mòn, lực lượng lại mỏng, nên việc ngăn chặn hàng lậu xâm nhập vào nội địa gặp rất nhiều khó khăn. “Việc cài cắm lực lượng vào đường dây của dân buôn lậu khó thực hiện do chúng tổ chức khá chặt chẽ và điều hành rất khoa học. Nhiều người thạo tin sẵn sàng bán tin cho lực lượng chống buôn lậu nhưng lại rao với giá cắt cổ, chẳng hạn báo tin vụ buôn pháo lậu chưa đến 10 kg hét giá tới 5 - 10 triệu đồng trong khi theo quy định của nhà nước chúng tôi chỉ được bỏ ra số tiền bằng 10% so với tổng giá trị hàng hóa bắt được”, ông Sơn nói. Theo ông Sơn, chỉ tính riêng trong tháng 12 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh bắt được tổng cộng 65 vụ buôn bán hàng lậu, trị giá hàng hóa tịch thu gần 1 tỉ đồng, phạt hành chính 288 vụ nhưng đây cũng chỉ là “muối bỏ biển”. Quang Duẩn |
Quang Duẩn - Hà An
Bình luận (0)