Đặc biệt, có một lượng vé vào cửa sẽ được tặng miễn phí cho những khán giả tới buổi biểu diễn sớm nhất, được ấn định vào tối 30.5.2010.
Ngày 29.5.2010, hàng trăm người hâm mộ, chủ yếu là phụ nữ trẻ Trung Quốc, đã bắt đầu đứng xếp hàng để nhận vé. Sáng hôm sau, ước tính gần 10.000 người đứng chật cứng trước cổng vào địa điểm biểu diễn của Super Junior.
Tình trạng chen lấn, xô đẩy… sự cuồng nhiệt, rồi những tiếng la ó, hò hét của hàng nghìn cô gái trẻ trước cơ hội một lần cầm tấm vé mời đi gặp mặt thần tượng… diễn ra hỗn loạn tới mức cảnh sát Thượng Hải buộc phải can thiệp.
Câu chuyện của Super Junior chỉ là một trong những “sản phẩm văn hóa xuất khẩu” của Hàn Quốc, như: nhạc pop (thường gọi là K-pop), phim truyền hình, phim điện ảnh, thời trang, video game… được giới trẻ châu Á cực kỳ hâm mộ.
Hơn 10 năm trở lại đây, đất nước Hàn Quốc, với số dân khoảng 50 triệu người, đã trở thành “Hollywood của phương Đông”, sản sinh ra hàng loạt ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, truyền hình… khuấy đảo thị trường giải trí châu Á, với lượng fan khổng lồ ở khắp Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á…
Ông Sung Tae-Ho, lãnh đạo cấp cao của KBS, một trong bốn đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, giải thích một phần lý do ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc thành công tại nước ngoài, là xuất phát từ chất lượng, tính đa dạng, đặc biệt là giá rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm giải trí được mua từ Mỹ hay phương Tây.
Văn hóa truyền thống cũng đóng một vai trò quan trọng. Mặc dù khác biệt về ngôn ngữ, nhưng nhiều nét phong tục tập quán tương đồng trong xã hội phương Đông, làm giảm rào cản văn hóa giúp cho các bộ phim Hàn Quốc dễ dàng được chấp nhận, thưởng thức và yêu thích tại các quốc gia trong khu vực.
Chỉ tính riêng đài KBS, hoạt động văn hóa giải trí tại nước ngoài trong năm 2005 đem về tới 43 triệu USD. Năm 2009, phim của KBS vươn tới 38 quốc gia, vùng lãnh thổ đạt mức doanh thu gần 65 triệu USD.
Số liệu từ nhật báo MK (Hàn Quốc), năm 2009, công nghiệp giải trí Hàn Quốc sinh lời 3 tỉ USD trên thị trường quốc tế, gấp đôi mức lợi nhuận của năm 2002. Tính tới hết năm 2010, có hơn 400 công ty điện ảnh độc lập của tư nhân Hàn Quốc hoạt động trong nước và tại thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc ngày càng tích cực ủng hộ phát triển, mở rộng ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia mình trên trường quốc tế. Coi đó như một chiến lược tìm kiếm, khẳng định vị trí và thúc đẩy hình ảnh Hàn Quốc trong khu vực bằng quyền lực mềm thông qua giải trí.
Người Hàn Quốc dùng từ “hallyu” (làn sóng Hàn Quốc) để mô tả “hiện tượng phim truyền hình” của họ làm mưa làm gió, cực kỳ hút khán giả khi bắt đầu được chiếu tại Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á từ những năm 1990.
Giáo sư Vorasuang Duangchinda thuộc Đại học Sripatum (Bangkok, Thái Lan) trong cuộc phỏng vấn với CNN cho biết: sinh viên của ông bây giờ đa phần thích phim Hàn, thích nhạc Hàn, thích các ngôi sao xứ Hàn… sau đó trở thành những fan cuồng nhiệt của tất cả mọi thứ đến từ đất nước này: ẩm thực, thời trang, văn hóa…
Rất nhiều sinh viên còn theo học tiếng Hàn vì mục đích giải trí. Thậm chí, một nữ sinh viên Thái Lan bị ám ảnh bởi dòng nhạc K-pop, đã quyết định đổi tên thành Mee-so (có nghĩa là “nụ cười” theo tiếng Hàn Quốc), sẽ đi du học Hàn Quốc, rồi tìm một anh bạn trai mang quốc tịch nước này.
Còn Yvain Lu, một sinh viên tại Thượng Hải cũng chia sẻ, mọi sở thích của cô đều liên quan đến Hàn Quốc: nhóm nhạc yêu thích: 2AM. Secret Garden; chương trình truyền hình yêu thích: We Got Married; ngôi sao yêu thích: Song Hye Kyo; phong cách thời trang yêu thích: nhóm Thursday Island…
Phạm Hải
Bình luận (0)