|
Huỳnh Lê Thảo Trinh - sinh viên (SV) khoa Công nghệ sinh học, trường ĐH Quốc tế TP.HCM cho biết dù rất bận rộn với việc học, dạy kèm mưu sinh nhưng bạn vẫn nhiệt tình tham gia dạy ngoại ngữ miễn phí cho nhiều công nhân trẻ. Thảo Trinh chia sẻ: “Đa số công nhân không được may mắn học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy, tụi mình mong muốn góp chút công sức để những anh chị ấy có thêm cơ hội phát triển”. Trinh cho rằng: “Ý thức rèn luyện phấn đấu của bản thân là rất quan trọng. Nó soi đường giúp chúng ta đạt được “5 tốt” cũng như những mục tiêu khác trong cuộc đời”.
Còn với Nguyễn Quang Huy - SV khoa Kinh tế đối ngoại ĐH Ngoại thương cơ sở 2, thì khi còn học THPT, bố mẹ và bạn bè biết Huy giỏi tiếng Anh nên ai cũng khuyên bạn nên chọn những ngành học liên quan đến tiếng Anh để khi ra trường dễ xin việc làm. Nhưng khi đăng ký dự thi ĐH, Huy âm thầm chuyển hướng vào ngành tiếng Nhật. Quang Huy lý giải việc làm của mình: “Tôi muốn học tiếng Nhật thật giỏi để khi có cơ hội sẽ quảng bá hình ảnh nền văn hóa, đất nước và con người VN đến với người dân Nhật Bản, từ đó thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào VN để góp phần phát triển kinh tế đất nước”. Quang Huy vừa nhận được học bổng du học 4 năm do trường Aomori Chuo Daigaku (Nhật Bản) trao tặng.
Với điểm trung bình sau 4 năm học đạt mức 8,71, Châu Ngọc Đỗ Quyên - SV trường ĐH Bách khoa (TP.HCM) là một trong hai SV dẫn đầu khoa Kỹ thuật hóa học. Theo Quyên, bên cạnh việc học kiến thức, trang bị kỹ năng, trau dồi ngoại ngữ thì SV còn cần có một lối sống đẹp qua việc rèn luyện đạo đức, thể lực tốt và một tinh thần cùng những hoạt động hướng về cộng đồng. Từng tham gia nhiều hoạt động giao lưu với SV nước ngoài, Quyên nhận xét: “Đường đời vốn không bằng phẳng, đôi khi cái sai, cái va vấp lại giúp chúng ta trưởng thành hơn nhiều. Do vậy, người trẻ nên dám làm, dám thử sức mình ở những lĩnh vực mới”.
Mong muốn trở thành chuyên viên phân tích tài chính, Phạm Phúc Huy - SV khoa Tài chính doanh nghiệp trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đã vươn lên trong học tập, điểm trung bình học tập các năm là 9,0 điểm; trình độ tiếng Anh TOEIC đạt 720 điểm. Bốn năm học ĐH, Huy luôn đạt danh hiệu SV xuất sắc của trường và nổi tiếng với danh hiệu SV có những đề tài nghiên cứu khoa học mang tầm vĩ mô. Một trong những đề tài được đánh giá cao là “Khủng hoảng nợ và quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính - bài học kinh nghiệm thực tiễn các nước trên thế giới và các khuyến nghị cho Việt Nam”. Đề tài đã đoạt giải A “Nhà kinh tế trẻ năm 2010” do trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức. Huy còn chuẩn bị “trình làng” một đề tài nghiên cứu khoa học đã dày công nghiên cứu “Bộ ba bất khả thi” (nhằm cân bằng giữa việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá và kiểm soát dòng vốn).
Nguyễn Như - Lê Thanh
Bình luận (0)