Thanh Hoa: Quý nhất khẩu mía và cây nhân sâm
Thời chị còn trẻ, hình dung về fan ra sao nhỉ?
Tôi cảm nhận rõ được mối chân tình của fan qua từng giọt nước mắt của họ khi nghe mình hát. Tôi nhớ nhất một cô gái trẻ, vừa ôm con vừa khóc nấc lên, hóa ra cô ấy mới nhận được tin chồng tử trận, còn mình lại hát bài mang nội dung: em vẫn chờ anh. Cái giây phút ấy sao mà nghẹn ngào, xúc động đến lạ.
Món quà lớn nhất chị từng nhận được là gì?
2 lít nước mắm Cát Hải, 5 con cua bể tặng quà Tết. Cứ khi nào hát xong thì nào là mía hấp nóng, củ khoai, củ sắn ăn cho ngọt giọng. Quý nhất là cây nhân sâm, mà một bác lớn tuổi đưa tới tặng tôi, nói rằng: “Cháu ăn đi, con bác đi tàu viễn dương cho bác 2 cây, bác cho cháu 1 cây”. Mình hồi đó cũng hồn nhiên, nhận, rồi bây giờ chẳng biết ai để mà cảm ơn nữa.
Và những người đàn ông?
Quý nhất là cây nhân sâm, mà một bác lớn tuổi đưa tới tặng tôi, nói rằng: “Cháu ăn đi, con bác đi tàu viễn dương cho bác 2 cây, bác cho cháu 1 cây”. - NSND Thanh Hoa
Họ quan tâm đến mình trong im lặng. Khoảng năm 1986, 1987, khi đi hát phòng trà, 3 đến 4 tháng liền cứ khi hát là mình nhận được 1 bông hoa hồng đỏ thắm. Chỉ nhớ mang máng là có một thanh niên, cao ráo, luôn ngồi ở hàng ghế đầu và đứng lặng mình sau cánh gà, thế thôi. Mình cũng chẳng nhìn rõ mặt, vì trên sân khấu sáng trưng, còn xung quanh lại tối. Mãi sau này có duyên gặp gỡ, anh ấy nhắc lại, mình mới chợt nhận ra.
Chị nhận xét ra sao về các fan hiện nay?
Thực sự là xã hội thay đổi, đến tình người còn thay đổi nữa là các fan. Điều mình cảm nhận sâu sắc nhất là bây giờ hiếm hoi có sự chia sẻ, trân trọng nghệ sỹ như hồi ấy.
NSND Thanh Hoa. |
Công ty Thanh Hoa đào tạo ca sỹ trẻ, chị chia sẻ với họ thế nào về fan hâm mộ?
Mình dặn các em phải trân trọng khán giả để trả nợ sự mến mộ mà họ sẵn lòng trao cho mình. Làm khán giả khó lắm chứ. Văn hóa ứng xử, văn hóa diễn của nghệ sỹ đã khó, để có được văn hóa nghe còn khó hơn.
Duy Khoa: Chưa bao giờ khó chịu với những cái ôm
Trẻ như Khoa chắc gặp fan cuồng rồi chứ?
Chưa bao giờ. Dòng nhạc của tôi lành mạnh nên người hâm mộ cũng lành mạnh, chỉ gặp trường hợp bị quây, dồn ép, đến mức không biểu diễn được, chưa gặp trường hợp nào đáng tiếc. Mới đây, Khoa biểu diễn ở Hưng Yên tại một trường học.
Buổi diễn luôn bị gián đoạn vì các bạn lên ôm hôn, nên hát ba bài anh đã phải nhờ bảo vệ giải cứu ra khỏi sân khấu.
Ca sĩ Duy Khoa. |
Có lần, đang diễn tôi thấy một bó hoa ném thẳng lên sân khấu, không hiểu chuyện gì xảy ra. Tìm hiểu mới biết, hoá ra một bạn trai thấy bạn gái hâm mộ Duy Khoa quá nên đã nổi giận ném bó hoa lên sân khấu. Lúc đó tôi đã bình tĩnh xử lý bằng cách bước xuống nhặt lấy bó hoa.
Còn những cái ôm, anh chỉ xử lý bằng cách nhờ bảo vệ thôi à?
Tôi không khó chịu trước những cái ôm hôn ấy. Họ muốn thoả lòng hâm mộ mình mà thôi. Tôi cảm ơn sự mến mộ vì tình yêu ấy đã giúp tôi sống với nghề. Tuy nhiên, đôi khi cũng bực mình bởi bị fan nháy máy điện thoại liên tục nhưng cũng thấy vui vui khi nhận được những tin nhắn đáng yêu: “Duy Khoa, em yêu anh!”.
Phương Thanh: Nếu làm lại tôi sẽ làm như ca sỹ trẻ
Chị chăm sóc các fan club như thế nào nhỉ?
Tôi thấy fan Phương Thanh chia ra làm hai nhóm, thế mà hai năm nay chưa từng “off” với các fan lần nào, nên đành thổi lửa trái tim qua từng bài hát để tặng fan. Thực sự thì cái mình coi trọng nhất là tấm chân tình với nhau.
Có bao giờ chị trả lời thư tay cho fan?
Fan nữ đáng sợ hơn, vì họ yêu với sự ích kỷ cao độ. Đàn ông thường thần tượng ca sỹ một cách lặng lẽ. Họ âm thầm đứng sau cánh gà, tặng hoa, đi đâu là thi thoảng lại mua quà về cho mình. Nhưng đáng buồn, họ lại coi tôi như đàn ông vậy. Ca sỹ Phương Thanh
Tôi không phải người giả dối, nên tôi khuyên các bạn chân tình rằng: đừng hy vọng ca sỹ nào có thời gian trả lời từng email, tin nhắn, thư tay của bạn gửi. Sự thực thì đó chỉ là người quản lý, êkip hỗ trợ mà thôi. Ngay như tôi, thời gian ngủ còn không có đủ nữa, vậy nên tôi cũng nói thật với các fan.
Fan có nhận ra những khi chị ở trong trạng thái “thiếu lửa“?
Hát thiếu lửa là các fan nhận ra ngay. Thi thoảng hát ở phòng trà, tôi nhận được những mẩu giấy: sao hôm nay chị buồn quá vậy. Rồi: cố lên chị nhé. Thậm chí, khi mình đang gây sự gì là có fan còn nhắn tin nói: Chị ơi, đừng có mà gây chuyện hoài như thế.
Liệu có ai nhầm lẫn giữa tình yêu và sự thần tượng nghệ sĩ?
Đàn ông thường thần tượng ca sỹ một cách lặng lẽ. Những người đàn ông luôn âm thầm đứng đằng sau cánh gà, tặng hoa, đi đâu là thi thoảng lại mua quà về cho mình như vòng tay, hột xoàn, khuyên tai. Nhưng đáng buồn, họ lại coi tôi như đàn ông vậy. Tình yêu thần tượng cũng giống như trai gái, có đầy đủ cung bậc nhớ nhung, hờn giận, nhưng không nhầm lẫn được, vì nó chỉ giống bề mặt, còn bản chất khác xa nhau.
Fan nữ đáng sợ nhất, vì họ yêu với sự ích kỷ cao độ. Nhưng cũng vì có fan nữ mà các ca sỹ nam mạnh và chóng thành công hơn nữ. Tất nhiên là ca sỹ nữ thì lâu bền hơn trong nghiệp hát.
Ca sỹ trẻ bây giờ chú tâm chăm fan hơn chăm giọng. Điều này có đáng buồn quá không?
Khó có thể trách họ được, vì cuộc sống đổi thay nhanh quá. Hồi mình mới vào nghiệp hát, chỉ cần chất giọng và bài hát là đủ.
Nhưng bây giờ điều đó sẽ chẳng là gì cả bởi khán giả trẻ họ đòi hỏi nhiều hơn về mặt hình ảnh, họ là người của công nghệ, của internet, họ muốn được nhìn nhiều hơn nghe, họ cũng khó tính một cách ích kỉ đủ để mình không chăm sóc họ sẽ bỏ mình đi.
Đã qua rồi cái thời hâm mộ một phía không toan tính, nên ca sỹ trẻ bắt buộc phải chăm sóc fan, phải tạo cảm giác để lôi cuốn lượng fan đông đảo cho mình. Do đó, mình cũng phải có cách nhìn thoáng hơn về hiện tượng này.
Vậy đặt chị vào thời điểm này để bắt đầu nghiệp hát, sẽ thế nào?
Nếu làm lại, chắc chắn tôi cũng sẽ làm như họ. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt, đừng quá thiên về một phía, mà phải đầu tư đồng đều, chăm chút giọng, bài hát.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)