Ngày nay, giấc mơ đã phần nào trở thành sự thật khi chính quyền thành phố Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) đã nhờ các nhà khoa học thực hiện hàng loạt trận mưa nhân tạo bằng cách dùng công nghệ kiểm soát thời tiết. Hơn 50 trận mưa bão đã được tạo ra vào tháng 7 - 8, thời điểm khô hạn nhất trong năm, tại khu vực phía đông Al Ain. Cư dân Abu Dhabi thậm chí phải tìm cách che chắn nơi cư trú vì không chỉ mưa bình thường mà thỉnh thoảng còn có mưa đá, những cơn gió mạnh và cả sấm chớp.
Các nhà khoa học đã bí mật làm việc với Tổng thống UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan để thực hiện chương trình này. Họ đã sử dụng các máy ion hóa khổng lồ hình dáng như những cái chụp đèn đặt trên cột thép cao. Thiết bị này tạo ra các hạt mang điện tích âm tung vào bầu khí quyển, từ đó hình thành các đám mây và tạo nên những trận mưa. Công ty Metro System International, Thụy Sĩ quản lý dự án này đã tiết lộ một đoạn video cho thấy sự thành công của dự án làm mưa nhân tạo.
Tháng 6 năm ngoái, Metro System đã xây dựng 6 khu vực, mỗi nơi có 20 máy tạo ion để tung hàng ngàn tỉ hạt ion tạo mây vào không khí. Hơn bốn tháng mùa hè, các máy phát xạ này đã làm tăng độ ẩm không khí lên hơn 30%, qua đó đã có 52 trận mưa.
Dự án mưa nhân tạo này được giám sát bởi Viện Khí tượng Max Planck, một trong số các trung tâm vật lý khí quyển lớn trên thế giới. Báo Daily Mail dẫn lời giáo sư Hartmut Grassl cho biết có rất nhiều ứng dụng từ kỹ thuật này mà một trong số đó là khả năng cung cấp nước cho khu vực khô hạn. Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ Weathertec sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền. Chi phí xây dựng ban đầu là 6 triệu bảng Anh và tốn 45 triệu bảng để vận hành trong một năm, so với hệ thống khử muối cần đến 850 triệu bảng để vận hành.
Tạ Xuân Quan
Bình luận (0)