>> Giải mã chân dung người Việt cổ
Sự tiến bộ của khoa học đã giúp cho các chuyên gia xác định được bệnh lý của con người khi còn sống, hay nguyên nhân dẫn đến cái chết dựa vào những dấu vết để lại trên di cốt.
Chiếc sọ trong ngôi mộ được xác định niên đại cách đây gần 4.000 năm ở di tích Hòn Hai - Cô Tiên (Quảng Ninh) có một lỗ thủng nhỏ, quan sát kỹ thì thấy lỗ có hình thoi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người này đã chết do bị một mũi tên bắn xuyên qua sọ, có thể trong săn bắn hoặc chiến tranh. Vết xuyên thủng không có dấu hiệu liền xương do đó có thể kết luận mũi tên đã làm người đó chết ngay.
Trong một trường hợp khác, khi nghiên cứu bộ xương của người phụ nữ ở Xóm Rền (Phú Thọ) thuộc văn hóa Phùng Nguyên, TS Việt nhận thấy xương chân bên phải của người phụ nữ bị va đập, rạn nứt từ phần đùi cho đến phần xương ống. Nếu chỉ quan sát bình thường thì rất dễ cho rằng nguyên nhân là do sức nén của đất khiến phần xương bị rạn, nhưng kết quả nghiên cứu lại cho thấy chân phải của người phụ nữ này bị một vật nặng đè vào gây dập nát và bầm tụ máu. Tuy nhiên, quan sát các rìa xương dập nát này, các nhà khoa học vẫn thấy diễn ra quá trình liền xương, chứng tỏ nạn nhân không chết ngay mà vẫn tiếp tục sống sau tai nạn. Những vết liền xương phát triển chưa đầy 0,5 mm thì kết thúc cho thấy nạn nhân có lẽ do bị nhiễm trùng nên đã mất sau đó vài tháng.
Nghiên cứu chiếc sọ của người đàn ông thời Lý (trong ngôi mộ phát hiện ở Nà Lồi, xã Suối Bàng, Mộc Châu, Sơn La), TS Việt cùng với đồng nghiệp đã phát hiện người này mắc căn bệnh lao xương. Sự góp phần nghiên cứu kỹ hơn của các chuyên gia y học có thể cho biết bệnh do virus gì gây ra. Bằng phương pháp khai quật sàng lọc kỹ đất trong phần ổ bụng của các bộ xương, các nhà khoa học của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á hy vọng sẽ còn có thể tìm thấy sỏi thận hay mật trong di cốt với mục đích làm rõ vấn đề bệnh lý và môi trường sinh sống.
Những nghiên cứu trên được gọi là khảo cổ học pháp y hay khảo cổ học bệnh lý, giúp chúng ta biết người xưa đã chết do đâu và mắc những bệnh gì. Theo TS Việt, từ nhiều năm trước, nhóm nghiên cứu của Úc và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu bệnh lý và dinh dưỡng qua cả răng và xương người. Những nghiên cứu bước đầu này có thể hé mở nhiều hướng nghiên cứu sâu hơn nữa để có thể hiểu được tình trạng bệnh lý và trình độ phát triển y học của người Việt cổ qua các thời kỳ.
|
Phục dựng vải cổ
Khi khai quật các khu mộ cổ, nhiều nhà khảo cổ thường bỏ qua việc nghiên cứu quần áo của người thời xưa. Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á là một trung tâm hiếm hoi tại Việt Nam nghiên cứu, phục dựng vải cổ. Năm 2001, TS Nguyễn Việt quyết định lao vào lĩnh vực còn mới mẻ, khi ông thu thập được một lượng lớn vải trong các ngôi mộ Đông Sơn dù gặp không ít khó khăn.
Người Đông Sơn đã biết ăn lẩu? Khi nghiên cứu thời Đông Sơn muộn, TS Việt còn phát hiện ra người Việt cổ đã có nhiều cách chế biến thức ăn độc đáo, hấp bằng chõ và ninh nấu thức ăn hỗn hợp trong các nồi đồng ba chân hay các chậu đồng. Bảo tàng Phạm Huy Thông (thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á) hiện đang lưu giữ nguyên trạng ba chậu đồng như vậy, bên trong vẫn còn lắng đọng tàn tích thức ăn rất gần với lắng đọng các nồi lẩu hiện nay. Điều này gợi mở khả năng vào giai đoạn cuối của văn hóa Đông Sơn, kiểu ăn lẩu có thể đã khá phổ biến. |
Khâu đầu tiên của quá trình nghiên cứu, phục dựng vải là làm sạch vải. Ở mỗi nước, các mộ được chôn cất và chịu tác động của điều kiện tự nhiên khác nhau, vì thế việc nghiên cứu vải còn sót lại trong các ngôi mộ cũng không giống nhau. Tại Việt Nam, nhiều khu mộ bị nhiễm mặn, vải bị ngập trong nước nhiều ngàn năm. Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã nghiên cứu độc lập phương pháp làm sạch vải áp dụng cho vải ngập nước. Bằng các phương pháp rung, bắn các tia nước nhỏ, vải sẽ được tách khỏi các chất bùn đất lắng đọng.
Kết quả nghiên cứu những mẫu vải Đông Sơn thu thập được của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho thấy vải thời kỳ đó được dệt bằng sợi của cây lanh, cây gai và dãi của con tằm (tơ). Trong khi đi sâu vào nghiên cứu các cấu trúc tế bào cellulo, TS Việt đã phát hiện những vật thể nấm hình cầu trên loại vải làm bằng sợi gai. Loại nấm này không thấy trên vải làm bằng sợi lanh. Điều này có thể được lý giải nguyên nhân bằng quá trình chế tạo hai loại sợi thân cây này khác nhau. Hiện tại, ông đã xác định được hai kỹ thuật dệt vải của người Đông Sơn là dệt đơn và dệt đúp. Công việc tiếp theo là cần nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật dệt, cũng như phương tiện dệt của người Việt cổ.
Nhiều câu hỏi liên quan đến việc may quần áo của người Đông Sơn được đặt ra: Họ có cắt vải không? Họ có làm khuy không? Họ may quần áo như thế nào? Kiểu dáng quần áo ra sao? Hiện tại, những câu hỏi đó vẫn là những ẩn số. Và TS Việt vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm những câu trả lời, giải mã điều bí ẩn đó.
Ăn nhiều thực vật, chim, trứng TS Nguyễn Việt đã tìm thấy dấu tích của nhiều loại thức ăn thực vật trong các ngôi mộ cổ Đông Sơn, trong đó có khá nhiều hạt dưa. Đây là những phát hiện thú vị, bởi theo ông, niên đại của những ngôi mộ trùng hợp với khoảng thời gian xuất hiện truyền thuyết về Mai An Tiêm. Sấu là một trong những loại thức ăn được tìm thấy nhiều trong các ngôi mộ thời kỳ đó, ngoài ra còn có trám, củ ấu... Theo TS Việt, bên cạnh lợn, gà, hải sản (nguồn thức ăn dồi dào), người Đông Sơn còn ăn nhiều chim, trứng các loại chim, hươu, trâu, rùa... trong các khu mộ vẫn còn dấu tích của các loài gia cầm, động vật đó. Một số bằng chứng cho thấy cách ăn uống của người thời đó rất cầu kỳ. Chẳng hạn như với món vịt hấp, người xưa đặt cả con vịt đã nhổ sạch lông vào trong một cái nồi đồng đúc hình con vịt. Trong các khu mộ, TS Việt cũng tìm thấy nhiều dụng cụ chế biến đồ ăn khá tinh vi, có lẽ là của các nhà quý tộc, ví dụ như các dụng cụ hình một cái kìm có hộp răng như để kẹp tỏi lấy nước. |
Minh Ngọc
Bình luận (0)