Học sinh phải học hành dưới ánh đèn dầu tù mù. Không có điện đã kéo theo nhiều khó khăn trong việc mở rộng, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống, thu nhập cho các gia đình. Cả thôn chỉ có duy nhất gia đình thôn phó Đinh Văn Thân sử dụng mô-tơ điện (thủy điện nhỏ) kéo từ dưới suối cách nhà khoảng gần 1 km. Vào mỗi buổi tối, người dân trong thôn tụ tập tại nhà ông Thân háo hức xem tivi. Tuy nhiên, nguồn điện thắp sáng phụ thuộc vào nguồn nước suối nên lúc có lúc không; nước suối cạn là điện tắt, mưa lớn đột ngột thì mô-tơ bị cuốn trôi.
Những người dân sử dụng điện thoại di động lúc nào cũng trang bị 2 cục pin. Một cục lắp vào điện thoại, còn cục kia sạc điện dự phòng ở một ngôi làng có điện cách thôn Tân Bình khoảng 6 km. Một số người dân còn nảy ra sáng kiến mua bộ sạc pin từ bình ắc-quy xe máy chuyển sang điện thoại. Có hộ gia đình sử dụng bình điện ắc-quy xe máy để thắp sáng ăn cơm tối mỗi khi khách đến thăm nhà. Khoảng tầm 20 giờ là cả làng vắng tanh vì mọi người đều tắt đèn đi ngủ!
Ông Đinh Văn Thân cho biết: “Tháng 2.2009, đơn vị thi công đào trụ điện tại thôn Tân Bình đã tổ chức họp các hộ trong thôn, hứa đến khoảng tháng 7.2009 là đóng điện, đưa công trình vào sử dụng, nhưng đã hết năm 2010, công trình vẫn chưa hoàn thành, phụ tùng thiết bị mắc điện hoen gỉ”.
Theo Chủ tịch UBND xã Đắk Kan Nguyễn Văn Thành, công trình “giậm chân tại chỗ” vì đường dây điện băng qua Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom thuộc rừng cấm quốc gia nên xã không thể định đoạt. UBND tỉnh đã có văn bản xin chủ trương của Bộ NN-PTNT mở đường điện men theo tuyến quốc lộ 14C, nhưng hiện vẫn chưa có biến chuyển tích cực.
Cuộc sống của người dân vì thế tiếp tục khó khăn trăm bề. Điều đáng nói là thôn Tân Bình chỉ cách trung tâm huyện Ngọc Hồi khoảng 10 km.
Hoàng Ngọc
Bình luận (0)