Bảy giờ kẹt lại chờ đợi việc phá băng đóng dày quanh chiếc TU- 134 cổ lỗ tại sân bay Vnukovo cùng chặng bay gần 3 tiếng lên cực Bắc nước Nga với vô số những lắc lư gập ghềnh do thời tiết đường trời lạnh giá. Lại cả một phần đêm trong một khách sạn tại thành phố Usinxcơ của khu tự trị Nhenhezky...
Quãng thời gian đó có lẽ đã không phí đi khi tôi liên tục quấy phiền ba thành viên cùng chuyến bay lên cực Bắc là Chánh địa chất Tkachenko Yura Petrovich và ông Cao Mỹ Lợi, Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh RusVietpetro. Và một người nữa là ông Trần Ngọc Sơn, Tổng đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Nga và các nước SNG.
Cả ba đã cố gắng vỡ vạc cho một kẻ ngoại đạo như tôi có thể láng máng biết được như thế nào là RusVietpetro, tại sao PVN lại sở hữu 49% vốn điều lệ của RusVietpetro. Và dòng dầu thương mại đầu tiên của RusVietpetro đã nhập với hệ thống dầu khổng lồ của nước Nga ngày 30 - 9 - 2010 như thế nào.
Sự hợp tác giữa Tập đoàn Zarubeznheft (OAO) và PVN về khai thác dầu khí trên lãnh thổ Nga bắt đầu vào năm 2008. Ngày 7 -5- 2008, OAO thắng thầu quyền sử dụng lòng đất để khảo sát địa chất thăm dò và khai thác tại các lô 1,2,3,4 thuộc vùng Khoreiver của khu tự trị Nhenhezky. Bốn lô, gồm 13 mỏ dầu dưới độ sâu 3.000- 4.000m, có tổng trữ lượng dầu cấp C1+C2 khoảng 95 triệu tấn.
OAO đã mời PVN tham gia. Tháng 7 năm 2008, RusVietpetro được đăng ký kinh doanh và tháng 9 nhận chuyển nhượng từ OAO giấy phép sử dụng lòng đất của 4 lô dầu nói trên.
Tháng 10-2008, với sự chứng kiến của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, PVN và OAO đã ký thỏa thuận, theo đó PVN là thành viên tham gia trong Công ty TNHH liên doanh RusVietpetro với tỷ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ. 51% còn lại là sở hữu của OAO.
Tổ hợp dầu mỏ Nhenhezky nhìn từ trực thăng. Ảnh: X.B. |
Việc thành lập công ty liên doanh mới trên lãnh thổ Nga nói theo ngôn từ ngoại giao lẫn báo chí là tăng cường thêm mối quan hệ giữa hai nước Việt - Nga và đưa quan hệ đó lên một tầm cao mới. Nhưng cứ như ông Lợi thì đây là một hình thức mới của việc đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.
Tôi cứ nghĩ, thế mạnh của PVN dù gì vẫn là việc khai thác dầu ở ngoài khơi. Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam đã quen việc làm ăn với nhau lâu nay trong liên doanh Vietsovpetro, hiện sản xuất 8 triệu tấn dầu/năm, tức là khoảng 160.700 thùng/ngày.
Nay tại vùng băng giá vĩnh cửu cách xa Matxcơva gần 2.500 km, cách Hà Nội hơn 7.000km, đồng tiền của PVN sẽ sinh lời ra sao, những người Việt trong liên doanh RusVietpetro sẽ bươn chải thế nào trong điều kiện mùa đông kéo dài, nhiệt độ trung bình tháng 1 là âm 20 độ. Nhiệt độ trung bình năm là âm 3-6 độ. Lượng mưa tuyết trung bình là 300-500 mm. Tuyết rơi vào cuối tháng 10, tan vào khoảng tháng 6. Vào mùa đông, trời chỉ sáng 2- 4 giờ trong ngày. Nhưng mùa hè là 22 tiếng. Khu vực hoạt động của liên doanh hoàn toàn nằm trên vùng băng giá vĩnh viễn.
Gần 5 giờ sáng, ngoài áo len mang từ nhà, tôi đánh cái áo lông ra ngoài và ráng sức chèn chân vào đôi ủng chật cứng. Sao cho lọt chân vào là một kỳ công bởi ủng càng chật khít càng có tác dụng chống lạnh. Bà trực khách sạn to béo đang gà gật ở quầy nhướng mắt ngạc nhiên hỏi tôi đi đâu rồi trỏ lên chiếc hàn thử biểu treo trên tường.
Tôi ngó qua thấy phát hoảng khi chiếc kim chỉ độ âm vượt trên con số 20. Hé cánh cửa khách sạn, làn da mặt ngay tức khắc cộm lên một cảm giác khó chịu vì lạnh! Vội chụp lên đầu chiếc mũ len và sục ngay đôi tay vào găng, tôi chuệnh choạng lê bước trên lối đi tuyết phủ ngập mắt cá. Chao ôi, cơ mầu này liệu có đi nổi không đây bởi bước còn khó nữa là còn hành nghề này khác. Bao tay dầy cộp thế này thì chụp ảnh, ghi chép ra làm sao?
Đội bay MI-8 ở mỏ Nhenhezky. |
Chợt có tiếng hú gọi từ cửa khách sạn của anh Cao Mỹ Lợi. Thì ra đáo sang phòng để đánh thức không thấy nên anh phát hoảng đi tìm. Nghĩ mà phục lẫn ngại cho ông Phó Tổng giám đốc này. Từ đại bản doanh của liên doanh đóng ở Matxcơva, gần hai chục lần anh Lợi phải bươn bả lên thực địa ở Nhenhezky.
Vốn là một kỹ sư địa chất từng chinh chiến ở những giếng dầu tít ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam của Liên doanh Vietsovpetro, anh Lợi được PVN chọn làm người đứng đầu đối tác trong Liên doanh RusVietpetro. Chưa hẳn là việc thông thạo tiếng Nga (anh là kỹ sư tốt nghiệp ở Liên Xô trước đây) mà do kinh nghiệm, kiến thức phong phú, được bạn nể vì.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Cao Mỹ Lợi và RusVietpetro phải tất tả hoàn tất khâu tổ chức để 9 đại diện của PetroVietnam tới làm việc. Giống như các chuyên viên Nga ở Vietsovpetro đã từng vất vả thích nghi với điều kiện nhiệt đới, các chuyên gia trẻ người Việt dưới quyền Cao Mỹ Lợi đã và đang vất vả biết bao nhiêu thứ để thích nghi với điều kiện làm việc ở vùng băng giá vĩnh cửu.
Sau mấy ngày bay về gấp để giải quyết công việc, 26 Tết năm ngoái, Cao Mỹ Lợi lại phải sang Matxcơva gấp. Tại RusVietpetro, có bao công việc khẩn đang chờ. Thấy ông chồng sửa soạn va ly trong lúc thiên hạ rầm rầm náo nhiệt sắm Tết, bà vợ nước mắt rân rấn quay đi...
Cao Mỹ Lợi kể với tôi chuyện ấy mà giọng cứ còn day dứt... Chỉ còn hai ngày nữa là bước sang năm mới và cái Tết âm lịch Tân Mão cũng chả còn xa, tôi hỏi anh liệu năm nay có đền cái Tết năm ngoái bị lỡ vì công việc, anh cười cười rằng cũng chả biết thế nào!
Ông bạn đồng hành Trần Ngọc Sơn cũng đang có một mớ việc, công tư cái nào cũng chưa trọn vẹn. PVN đã tạo điều kiện để kỹ sư Sơn mang theo vợ con. Anh Sơn kể, động viên mãi bà vợ với cô con gái mới dứt được ra một môi trường sinh hoạt và công việc học hành đang đầy đủ yên ổn! Hình như Matxcơva hay nước Nga cũng chả phải là nơi hấp dẫn lắm với nhiều người?
Nằm trong hệ thống 25 sân bay vùng Siberi mênh mông bao la, sân bay Usinxcơ khiêm tốn nhỏ hẹp. Màn đêm đặc quánh mặc dầu đã gần 9 giờ sáng. Mọi vật chỉ lờ mờ trong tầm nhìn mấy chục thước dưới ánh đèn sân bay và băng tuyết trắng xóa.
Sau khi làm những thủ tục an ninh cần thiết, chúng tôi leo lên một chiếc MI- 8. Trên chiếc máy bay cũ kỹ, không có cáp chống ồn, cục bông lót tai như những chặng bay bằng trực thăng đời mới từ Vũng Tàu ra các giàn khoan dầu, mọi thứ chuyện trò kể từ lúc này đều bặt hẳn. Không biết là bao nhiêu đêxiben, nhưng độ ồn này dẫu người khỏe có hét thật lực thì cũng chả thấu tai ai được!
MI- 8 lừ đừ bốc lên. Những vệt sáng của thành phố Usinxcơ 20 năm tuổi với 400 ngàn dân dần khuất. Dưới trực thăng là bắt đầu miên man mải miết lẫn phẳng lỳ của Tunga. Tunga, khác Taiga, là liên hồi kỳ trận những đầm hồ xen với cây tùng loại cằn thấp của rừng Taiga.
Đinh tai nhức óc là thế, một chặp lâu sau cũng quen dần rồi đâm ra buồn ngủ bởi cảnh vật lẫn âm thanh cứ một gam đơn điệu như thế. Nhưng có hai lúc bỗng bừng cơn gà gật khi ông Lợi ra hiệu cho tôi chú mục vào khung cảnh bên dưới: một đàn tuần lộc, dễ có đến mấy ngàn con màu xám trắng đang chen nhau chạy trên nền tuyết phau phau.
Chợt nhớ những đàn tuần lộc chăn thả trên hoang mạc phương Bắc qua câu chuyện hồi tối của ông Lợi. Rằng tộc người Nenets ở vùng cực bắc xa xôi và khắc nghiệt nhất nước Nga này hằng bao đời có truyền thống chăn thả tuần lộc, thứ thú nửa hươu nửa nai.
Lại một cái bíu tay nhiệt thành của ông Chánh địa chất Petrovich. Tưởng một đàn tuần lộc khác nhưng căng mắt xuống chỉ thấy một vệt mờ mờ xam xám thẳng như kẻ chỉ hun hút trên hoang mạc. Thấy tôi ngạc nhiên, ông Lợi viết ra mảnh giấy dòng chữ đường ống dẫn dầu. (Khi ấy tôi đọc vậy thì chỉ biết vậy.
Nhưng khi trực thăng hạ cánh xuống Nhenhezky, tôi được ông Chánh địa chất giới thiệu đường ống dẫn dầu mà trên máy bay nhìn thấy một vệt mỏng mờ. Đó là một công trình đường ống công phu dài gần 100 km từ đây nối với tuyến vận chuyển dầu mỏ của nước Nga).
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)