Xuất hiện sản phẩm có rhodamine B tại TP.HCM

13/01/2011 20:07 GMT+7

* Vi phạm VSATTP tập trung ở cơ sở nhỏ lẻ (TNO) Chiều nay (13.1), Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TP thông báo đã phát hiện rhodamine B trong một số sản phẩm thực phẩm có màu đỏ như bột ớt, hạt dưa tại các chợ của TP.HCM.

Các sản phẩm có chứa chất độc hại này đều không có nhãn mác, xuất xứ.

Rhodamine B là loại phẩm màu công nghiệp có thể gây ung thư và bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

Ông Lê Trường Giang, Phó trưởng Ban thường trực BCĐ liên ngành về VSATTP TP, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Sở Công thương, UBND quận, huyện cùng thanh tra Sở Y tế, Chi cục VSATTP TP tăng cường kiểm tra việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông đối với mặt hàng thực phẩm, gia vị có chứa màu đỏ như lạp xưởng, mứt, hạt dưa, bột ớt, bột gia vị... trên địa bàn TP.

Các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo VSATTP sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.

Bên cạnh đó, qua thanh tra 232 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, quán ăn trên địa bàn TP.HCM, đã có gần 1/2 số cơ sở vi phạm các tiêu chuẩn VSATTP. Trong đó có 16 cơ sở bị đình chỉ. Bên cạnh đó có 8/52 cơ sở sản xuất tương, gia vị và 1/72 cơ sở sản xuất hàng phục vụ Tết bị đình chỉ sản xuất.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã cho biết về tình hình thanh tra VSATTP trên địa bàn từ tháng 10.2010 đến nay đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, quán ăn, bếp ăn tập thể, tương, gia vị và các mặt hàng phục vụ Tết trong buổi làm việc với Cục trưởng Cục ATVSTP Nguyễn Công Khẩn vào chiều nay (13.1).

Bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, đánh giá, mặc dù có 85/96 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể được thanh tra có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP nhưng có đến 58 cơ sở bị phát hiện vi phạm.

Bên cạnh đó, thì việc ghi nhãn hàng hóa ở hầu hết các cơ sở thực hiện không đúng quy định. Các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm chưa chú trọng đến vấn đề vệ sinh cho nhân viên, vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm cũng như trang thiết bị, dụng cụ phục vụ ăn uống.

Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP nhận định: "Có đến 10.000 loại thực phẩm mới mỗi ngày. Có thể nói, số lượng thực phẩm lưu thông ngoài thị trường là rất lớn. Thời gian qua, hầu hết các sản phẩm, cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP đều rơi vào các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không có đăng ký, sản phẩm không nhãn mác, nguồn gốc. Vì vậy, người dân nên sử dụng hàng hóa, thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho mình".

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.