Vượt trần 14% của ngân hàng
"Gửi rút vốn thuận tiện, lãi suất cao hơn ngân hàng" - là thông tin mà CTCK Ngân hàng NN-PTNT VN (Agriseco) cho chạy liên tiếp trên website của mình trong suốt thời gian qua để thu hút sự chú ý của NĐT và khách hàng. Để tham gia chương trình này, NĐT chỉ cần đặt cọc cho Agriseco một khoản tiền tối thiểu 100 triệu đồng, giao vốn cho công ty mua trái phiếu theo yêu cầu. Trong trường hợp không mua trái phiếu, NĐT sẽ nhận được khoản lãi suất theo 2 hình thức, thứ nhất nhận phí và đặt cọc cuối kỳ lãi suất: 6,5% kỳ hạn 2 tuần, 15% kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng lãi suất tương ứng 11% và 15%, 6 tháng lãi suất lên tới 16%/năm. Đặc biệt, đối với các khoản tiền lên tới hơn 5 tỉ đồng, hoặc kỳ hạn trên 6 tháng, khách hàng sẽ được thỏa thuận lãi suất trực tiếp với công ty. Ngoài ra, để tăng lợi ích cho khách hàng, Agriseco còn cho phép được rút tiền cọc, hưởng lãi suất rất cao và linh hoạt.
Do thị trường chứng khoán trầm lắng, hoạt động tự doanh, môi giới diễn ra đì đẹt, không có lãi nên rất nhiều CTCK khác cũng bằng mọi cách, vẽ ra các loại hợp đồng tương tự như trên để mời chào khách hàng chung chi vốn đầu tư. Các hợp đồng này được ngụy trang bởi tên gọi rất hấp dẫn "góp vốn đầu tư cổ phiếu niêm yết", "góp vốn đầu tư chứng khoán ngành dầu khí"; "góp vốn đầu tư cổ phiếu ngành điện"... |
Tháng trước, website của CTCK Thăng Long công bố dịch vụ gửi tiền hợp tác kinh doanh chứng khoán. Theo đó, NĐT cá nhân và tổ chức sẽ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh chứng khoán, sau đó gửi tiền cho công ty để được hưởng lãi suất lên tới hơn 16%/năm. Tuy nhiên, từ đầu tháng tới nay, theo một broker (môi giới chứng khoán) tại chi nhánh của công ty ở Láng Hạ, đơn vị này đã điều chỉnh chương trình: chỉ nhận hợp tác kinh doanh với khách hàng có từ 500 triệu đồng trở lên. Còn với tổ chức, số tiền phải trên 5 tỉ đồng.
Tiền chảy về ngân hàng?
Theo T., môi giới của một CTCK hiện đang triển khai dịch vụ tài chính trên, đây thực sự là một khoản làm ăn có lời cho các tay môi giới và công ty. Do nhiều NĐT đã chán sự èo uột của thị trường, trong khi lãi suất của ngân hàng bị trói bởi trần 14%/năm, với mức lãi suất mà các CTCK đưa ra cao hơn hẳn, rất nhiều khách hàng đã chấp nhận “bắt tay” làm ăn. “Tiếng là hợp đồng đầu tư, nhưng khách hàng cứ ném tiền vào đó, rồi bỏ đi chơi, chẳng cần quan tâm thị trường xanh hay đỏ, bò hay gấu gì cả. Đến kỳ qua lĩnh tiền”, T. nói.
Giám đốc một CTCK cũng không giấu giếm khi cho biết lượng khách hàng tham gia hợp đồng loại này đang tăng lên từng ngày. Có tuần, công ty của ông ký kết hợp đồng hàng trăm tỉ đồng.
Việc hợp tác với các NĐT thời gian gần đây được nhiều CTCK triển khai dưới dạng các dịch vụ tài chính ủy thác vốn, góp vốn đầu tư… Tuy nhiên hợp đồng góp vốn đặt cọc được một chuyên gia đánh giá là khá mới mẻ và “nhạy bén với thời cuộc”. Theo chuyên gia này, một điểm chung có thể nhận ra là hầu hết các loại hợp đồng hợp tác trên đều được tung ra bởi các CTCK, với các cổ đông chính là các ngân hàng. Agriseco có Agribank, Thăng Long có Ngân hàng Quân đội (MB)… Gọi là hợp đồng đầu tư, nhưng chủ yếu khách hàng gửi vào để lấy lãi cao, chứ không mấy ai quan tâm xem công ty mua gì, bán gì. “Ngân hàng thì không thể huy động vốn vượt trần 14%/năm, nhưng CTCK thì có thể được vì họ không phải là tổ chức tín dụng. Nhưng vì không phải tổ chức tín dụng, không được huy động vốn nên mới phải “đẻ” ra cái gọi là hợp đồng góp vốn kinh doanh, đầu tư như trên”, chuyên gia này cho biết.
Gọi vốn của NĐT, trả lãi lên tới hơn 16%, trong bối cảnh hàng loạt CTCK báo lỗ. Câu hỏi đặt ra là, liệu có hay không khoản huy động qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh chứng khoán đang “chảy” về ngân hàng để trở thành các khoản cho vay với lãi suất ngoài tầm kiểm soát?
Anh Vũ
Bình luận (0)