Vào mạng, chỉ cần gõ tên bài hát và một cái nhấp chuột, bạn đã có thể tìm - chọn cho mình ca khúc mới hoặc bài hát yêu thích. Đó là hình thức giải trí vừa nhanh, lại đơn giản, và nhất là hợp với thời của thế giới mạng. Và vì thế, đông đảo ca sĩ cũng chuyển hướng sang phát hành album online.
Đơn giản, ít hao tốn
Thay vì phải tốn nhiều tiền, trải qua nhiều công đoạn và mất thời gian chờ đợi thủ tục, thì việc phát hành album online ít hao tốn và nhanh gọn hơn (chỉ còn khâu đặt - tìm ca khúc, trả tiền tác quyền và thu âm). Không chỉ thế, việc tự giới thiệu trên mạng - từ các trang cá nhân như: Facebook, Blogspot, Wodrpress, Yume, Multiply… đến các trang chia sẻ nhạc như Youtube và trang chính, nơi album được phát hành - xem ra có mức độ lan truyền rất hiệu quả. Khi phát hành album online, dù kinh phí thấp, nhưng lợi nhuận thu về (không phải từ việc bán đĩa mà chính từ việc bán cho các nhà mạng làm nhạc chuông, nhạc chờ) lại “ngon” hơn!
Hiện không chỉ ca sĩ mới vào nghề, người chưa đủ điều kiện để thực hiện album chính thức dưới dạng đĩa bán, mà cả ca sĩ nổi tiếng cũng “kết” hình thức này. Từ Trúc Diễm, Ngân Khánh, Bảo Thy, Khổng Tú Quỳnh, Đông Nhi, Trà My Idol… đến Thanh Thảo, Hồ Quỳnh Hương… đều phát hành album online, tung tất cả ca khúc mới nhất lên mạng cho khán giả nghe miễn phí. |
Chợ nhạc tạp nham…
Thực trạng ai cũng có thể “thảy” lên mạng một bài hát mình thể hiện, ca sĩ muốn thu bài nào thì thu, không cần kiểm duyệt lời ca, giai điệu, “nhái” thoải mái… đã khiến thế giới nhạc online hiện nay như một cái chợ rất lộn xộn, tạp nham. Công chúng vốn dĩ tò mò, thấy bài nào được lan truyền, ca khúc nào được bàn tán dù chỉ là kháo nhau “bài đó nghe hài vãi”, hay “nghe đi, sẽ cười lăn vì quái, gớm và kinh dị”… cũng vội tìm nghe cho bằng được. Thế là thành “cơn sốt”, là “mốt”...
Mặt khác, vấn đề tác quyền ca khúc trên “thị trường nhạc online” hiện nay cũng đang bị phớt lờ. Với album online của Uyên Linh, nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết do ca khúc Cảm ơn tình yêu trước khi phát hành đã được hát trên truyền hình, nên không cần xin phép thêm. Nhưng ngay cả những ca khúc mới được sáng tác, ca khúc chưa được phép phổ biến hay bài hát nước ngoài, thì khâu xin phép hầu như cũng bị bỏ qua, bởi “nhạc online, nhạc mạng thì khó mà kiểm soát được” - nhạc sĩ Huy Tuấn nói.
Cũng vì “thị trường nhạc online” đang được thả nổi, hoàn toàn miễn phí... nên thị trường băng đĩa thực sự tê liệt và tiêu thụ chậm khi người nghe nhạc hiện đang mất đi mong muốn được sở hữu những CD chất lượng cao. Nếu muốn có được những bài hát mình yêu thích, chất lượng vừa phải (phổ biến là định dạng mp3), người ta có thể thỏa mãn ngay được nhu cầu giải trí bằng việc vào internet tải nghe. Nhiều “kho” chứa nhạc khổng lồ trên mạng đã ra đời và thu hút cả trăm triệu lượt nghe, bấm vào mỗi ngày. Ăn theo xu thế này, nhiều ca sĩ đã biết lợi dụng thời buổi băng đĩa bán không được, chỉ cần nổi tiếng nhanh, được nhiều người biết đến, khỏi phải mất nhiều chi phí đầu tư… cũng sẵn sàng chọn hệ thống các website là nơi tung nhạc, tung video clip của mình.
Khán giả trẻ dễ bị tác động Có thể dễ dàng nhận thấy sức ảnh hưởng của nhạc online khi nó đã thực sự tác động đến thị hiếu, xu hướng của người nghe. Tất nhiên, việc tác động này cũng đi theo hai hướng: cả tiêu cực lẫn tích cực. Nói tích cực là khi có những ca khúc hay, những giai điệu vượt thời gian, hoặc những nhân tố, tài năng mới theo kiểu “undergrown (dòng chảy ngầm)” được phát hiện từ nhạc online như kiểu Thùy Chi... đã lan truyền đến người nghe rất nhanh. Còn tiêu cực thì đã quá rõ vì thiếu kiểm soát và việc post (đăng) ca khúc vô tội vạ, quá dễ dàng trên khắp các trang web đã ảnh hưởng trực tiếp, sâu nặng đến tai nghe của một bộ phận khán giả. Từ đó, số đông khán giả trẻ dễ dãi chấp nhận và bị hút theo những ca khúc quái chiêu, càng lố lăng càng dễ “ăn”, dễ nổi tiếng trong cộng đồng mạng; và theo đó, những ca sĩ chuyên cung cấp, trình bày những thể loại nhạc, lời ca gây sốc như thế bỗng chốc trở thành... “sao bong bóng”. |
Phan Cao Tùng - Nguyên Vân
Bình luận (0)