Tác giả Hans Barnard có bài viết trên tạp chí Khoa học khảo cổ, nhận xét rằng đây là cơ sở sản xuất rượu vang cổ xưa nhất được phát hiện. Cơ sở này khá hoàn chỉnh với các công cụ ép nho, thùng lên men và bình lưu trữ.
Các hiện vật được tìm thấy bởi đội ngũ khảo cổ học quốc tế người Mỹ, Ireland, Armenia, trong quần thể hang động ở miền nam Armenia, gần biên giới Iran. Khu vực này còn tồn tại một ngôi làng vẫn đang sản xuất loại rượu vang đặc trưng. Cũng gần khu vực khảo cổ, vào tháng 6.2010, người ta đã phát hiện một đôi giày da được bảo quản khá tốt có niên đại 5.500 năm trước. Đây cũng được coi là đôi giày cổ xưa nhất của nhân loại.
Qua phân tích bằng carbon phóng xạ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Carlifornia Irvine và Đại học Oxford đã xác định niên đại các hiện vật là từ 4.100 - 4.000 năm trước Công nguyên. Trong số hiện vật, đáng chú ý là hệ thống ép nho khá thô sơ, thùng chứa bằng đất sét mà quanh đó là những hạt nho, nho đã khô héo và phần còn lại của nho sau khi ép, nhiều mảnh sành và thậm chí là ly, chén uống rượu. Phân tích dư lượng tìm thấy trong thùng, kết quả là có sự tồn tại của một loại sắc tố thực vật chỉ có trong nho và lựu. Trước phát hiện này, loại rượu vang được cho là cổ xưa nhất có niên đại 1.650 năm trước Công nguyên được khai quật ở vùng Bờ Tây.
Bản chất của loại rượu vang cổ xưa vẫn còn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, có cơ sở để tin rằng nó được sản xuất và sử dụng bởi tổ tiên những người Kura-Axes, dùng cho mục đích nghi lễ.
Tạ Xuân Quan (Theo Discovery)
Bình luận (0)