Từ con nợ trở thành tỉ phú

14/01/2011 09:54 GMT+7

Cha mất sớm, gia đình lâm cảnh nợ nần, Tạ Hoàng Thạch vừa lo kiếm tiền nuôi các em ăn học và trả nợ, vừa theo đuổi kế hoạch biến mảnh đất nhà mình thành trang trại chăn nuôi.

Ý chí, nghị lực cùng sự cần cù, chịu khó đã đưa Thạch từ con nợ trở thành tỉ phú tuổi 32 trên đất Phước Lễ (xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh).

Vươn lên từ cơ cực

Sẵn sàng giúp người đi sau

Từng làm bí thư Xã đoàn Phước Ninh các năm 1999-2000, Tạ Hoàng Thạch rất “máu” với chuyện thanh niên lập nghiệp ở địa phương. “Nếu có tâm bám trụ tại quê và quyết theo đuổi ý tưởng làm giàu thì đất quê sẽ không phụ mình đâu”, Thạch bày tỏ. Những thanh niên có chí hướng chăn nuôi làm giàu ở quê cũng được Thạch nhiệt tình tư vấn. Mới đây Thạch đã đề xuất với xã lập hợp tác xã chăn nuôi để nông dân được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ tìm đầu ra. Dự án lập dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tại quê nhà đã được Thạch gửi đến Quỹ đầu tư phát triển Tây Ninh để xin hỗ trợ vay vốn thực hiện.

Mùa hè năm 1997, khi Thạch đang chuẩn bị thi đại học thì người cha trở bệnh nặng và qua đời. Thạch gác lại giấc mơ đại học, gác lại giấc mơ làm giáo viên dạy thể dục, lao vào kiếm tiền nuôi người mẹ sức yếu và ba đứa em đang tuổi ăn tuổi học. Lúc đó, công việc hằng ngày của chàng trai chưa đầy 20 tuổi này là năn nỉ các chủ nợ gia hạn thời gian trả tiền và cần mẫn dậy sớm thức khuya trồng trọt, chăn nuôi. Những vụ thu hoạch lúa, mía, mì và gà, vịt Thạch dành trả nợ trước rồi vay lại sau, gắng cầm cự trang trải cuộc sống cho gia đình hằng ngày.

“Lúc đứa em kế vào đại học, mình đi vay nóng 30 triệu đồng lo học phí. Cha mình khi còn sống rất mong mỏi các con học hành đến nơi đến chốn. Phần mình đã không thực hiện được nguyện ước đó của cha thì phải có bổn phận lo cho các em”, Thạch bày tỏ.

Gánh nặng trên vai Thạch rồi cũng ngày càng nhẹ hơn khi các em Thạch lần lượt người trở thành thạc sĩ, giảng viên, người học xong về quê mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi. Món nợ của gia đình sau nhiều năm cũng đã được trả hết.

Thạch cưới vợ và đến năm 2006 quyết tâm thực hiện kế hoạch biến đất nhà mình thành trang trại chăn nuôi. Thạch đem số tiền ít ỏi dành dụm được xây chuồng trại, mua hơn chục con heo thả nuôi. Đến ngày xuất chuồng bán heo tính lại Thạch thấy lỗ 6 triệu đồng.

Lứa sau Thạch nuôi tiếp 20 con cũng lỗ 6 triệu đồng, lứa thứ ba 30 con cũng lỗ nữa. “Khi mình ôm tiền đi mua heo nuôi lứa thứ tư thì bà con, hàng xóm cản dữ lắm nhưng vẫn quyết không bỏ cuộc”, Thạch nói. Lứa heo 49 con này Thạch rút được kinh nghiệm từ những lần thất bại trước nên kỹ thuật nuôi đã khá hơn, chi phí đầu tư được rút xuống, heo xuất chuồng bán trúng ngay lúc được giá cho thu nhập... huề vốn.

Làm giàu

Tạ Hoàng Thạch thấy việc mua heo con về nuôi chi phí cao, rất khó có lãi nên đến năm 2008 Thạch mua heo nái tạo nguồn giống. Lúc này tay nghề đã khá hơn nên heo thịt Thạch nuôi bán ra có lãi, heo nái đẻ cũng cho được nguồn thu khá. Tiền kiếm được Thạch đầu tư tiếp làm chuồng trại theo mô hình nuôi công nghiệp và nhân số lượng đàn heo lên.

“Nuôi heo ngay tại vùng cung cấp nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi mà phải mua thức ăn với giá cao thì thật vô lý”, Thạch nghĩ. Thế là suốt từ đầu năm 2008 đến hết năm 2009, Thạch tìm đến các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp học công thức làm thức ăn công nghiệp. Nghe ở đâu có công ty chế biến thức ăn tốt Thạch cũng lặn lội tìm đến học hỏi.

Sau hơn một năm đi học khắp nơi thu thập kiến thức, Thạch về tự tay làm thức ăn gia súc và lấy một số heo của mình thực nghiệm. Kết quả lứa đầu te tua: heo bị sốt, tiêu chảy, chậm lớn... Thạch điều chỉnh từng chút và dần thành công. Vụ heo năm 2009 Thạch thu về 3 tỉ đồng, lãi ròng hơn 500 triệu đồng.

Thừa thắng xông lên, Thạch đầu tư mở rộng trang trại nâng số đàn heo nái hiện có lên hơn 130 con, heo thịt 600 con và lập Công ty Gia Phát Lợi chuyên kinh doanh heo và thức ăn chăn nuôi vào cuối năm 2009. Trang trại mà Thạch tâm huyết dựng nên giờ nhẩm tính lại đã đầu tư hết hơn 3 tỉ đồng, cứ lời đồng nào là Thạch mở rộng đồng ấy chứ không chịu bằng lòng với những gì mình có.

Đến xã Phước Ninh, từ cán bộ xã đến người dân đều biết đường đến trang trại chăn nuôi của Tạ Hoàng Thạch. Anh chàng từ nông dân thành giám đốc này người lúc nào cũng lấm bụi cám heo, hai ống quần xắn tận đầu gối. “Nguồn phân heo sau khi được xử lý sẽ chuyển xuống ao nuôi cá, còn thức ăn thừa mình dùng nuôi gà chứ không bỏ thứ nào”, Thạch khoe về mô hình trang trại chăn nuôi công nghiệp khép kín trên diện tích 2ha.

Mảnh đất gần nhà trước đây cha Thạch  bán cho người ta khi gia cảnh khó khăn nay được Thạch mua lại để làm nơi sản xuất thức ăn gia súc. Các loại thức ăn cho heo tập ăn, heo thịt, heo nái do Thạch sản xuất có giá thành thấp hơn từ 25.000-60.000 đồng/bao 25kg so với các sản phẩm khác. “Mình thực hiện dây chuyền sản xuất thức ăn với mong muốn vừa làm giàu vừa cung cấp thức ăn giá rẻ hơn cho nông dân. Ai tìm đến trao đổi kinh nghiệm mình đều sẵn sàng”, chàng trai 32 tuổi lớn lên ở mảnh đất Tây Ninh nói.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.