Manh nha cây Thần Kỳ ở Việt Nam

15/01/2011 12:18 GMT+7

Một tiệm cà phê ở Tokyo, Nhật Bản đang bán loại cà phê mang tên miraculin mà không cần dùng đường hoặc chất tạo ngọt tổng hợp với giá khoảng 15 USD/ly. Miraculin là thành phần chính của một loài cây mang tên Thần Kỳ có mặt ở Việt Nam khoảng chục năm nay.

Chuyện kể rằng, năm 1725, nhà thám hiểm người Pháp tên là Des Marchais khảo sát và viết về tập tục kỳ lạ của thổ dân vùng tây châu Phi. Thức ăn của họ đều rất chua và không hề có đường. Tuy nhiên, sau khi nhai một loại trái cây có màu đỏ thì các vị chua này trở nên ngọt lịm mà không cần phải bỏ thêm đường.

Đến năm 1852, cây mới được tiến sỹ W.F. Daniel mô tả tỉ mỉ về đặc tính kỳ lạ này và định danh là Synsepalum dulcificum, họ Sapotaceae đồng thời đặt cho nó cái tên “cây Thần Kỳ”.

Biến chua, đắng… thành ngọt

Theo dược sỹ Phạm Hữu Hiền (MBA, Trường Đại học Nam Columbia, Mỹ), cây Thần Kỳ là cây tiểu mộc, có thể cao đến 6 mét sau 10 năm, trồng thích hợp ở vùng đất khô ráo, độ pH thiên về acid, có độ ẩm cao, ưa nắng nhiều. Cây cho ra một loại trái khi chín có màu đỏ rất đẹp sau mùa mưa.

Một trong những cửa hàng bán cây Thần Kỳ trên mạng Internet đông khách nhất đưa ra các chào mời như bán từ hạt giống, trái, cây Thần Kỳ lớn nhỏ, đến các sản phẩm phục vụ cho việc trồng cây.

Thậm chí, cửa hàng đó có bày bán các viên nén bào chế từ cây Thần Kỳ, bột cây Thần Kỳ, trái Thần Kỳ khô, xuất xứ từ Mỹ, Anh. Ai muốn thử, có thể mua một quả giá 10.000 đồng.

Trái khi chín rất mau hỏng, mặc dù được bảo quản trong môi trường nhiệt độ thấp. Sở dĩ cây được gọi là Thần Kỳ là vì trái của nó khi nếm sẽ làm cho các vị chua, đắng của cam, chanh, hay bất cứ thứ quả gì, đều bị biến đổi thành vị ngọt; tên địa phương của cây là taami, asaa và ledidi. Thành phần chính của cây là miraculin.

Dược sỹ Hiền cho hay, một tiệm cà phê ở Tokyo đã cho khách thưởng thức món cà phê miraculin mà không cần dùng đường hoặc chất tạo ngọt tổng hợp với giá khá đắt, khoảng 15 USD. Trái cây Thần Kỳ do hãng Namco, Nhật Bản, cung cấp. Hiện nay các nhà khoa học Nhật Bản đang dự định ghép gene miraculin vào cây rau diếp để sản xuất đại trà sau khi thí nghiệm ghép gene miraculin trên vi khuẩn E. coli bị thất bại.

Miraculin được dự đoán sẽ chiếm lĩnh thị trường trong tương lai như chất tạo ngọt không sinh năng lượng (calorie), để dùng trong công nghiệp thực phẩm thay thế cho các chất tạo ngọt nhân tạo nhiều độc hại, và có thể ứng dụng phòng một số bệnh như tiểu đường, giảm cân.

Tác dụng làm ngọt có thể kéo dài khoảng hơn một giờ và sẽ biến mất nhanh chóng, nếu uống ngụm trà nóng. Vì miraculin không tạo ra năng lượng (calorie) và là hợp chất tạo vị ngọt thiên nhiên nên nó được thổ dân châu Phi dùng từ nhiều trăm năm nay. Nhiều nhà sản xuất kỳ vọng nó được ứng dụng rộng rãi để chữa nhiều bệnh cần sử dụng các chất tạo ngọt tổng hợp và tránh dùng saccaroz (đường mía) như bệnh tiểu đường, bệnh béo phì…

Tuy nhiên, do chưa được Cơ quan Thuốc & Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ chấp thuận nên việc sử dụng và trồng cây Thần Kỳ chỉ nằm trong lĩnh vực cây cảnh tại nước này. Hiện tại, chỉ có Nhật Bản đang dự kiến đưa việc sử dụng miraculin trong thực phẩm công nghiệp, dù Mỹ là nước có ý tưởng đầu tiên.

Có ý kiến chỉ trích FDA khi cơ quan này chưa cho phép lưu hành miraculin trên thị trường là do muốn bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất chất tạo ngọt nhân tạo. DS Hiền tiên đoán, Mỹ có nguy cơ tụt hậu so với Nhật trong lĩnh vực này nếu vẫn còn muốn duy trì cơ chế bảo vệ các nhà sản xuất hóa chất tổng hợp, dù cơ sở nuôi trồng cây Thần Kỳ có rất nhiều tại Mỹ, tập trung tại Florida, trong khi Nhật không có cơ sở nào.

Manh nha ở Việt Nam

Cây Thần Kỳ ở Việt Nam hiện được sử dụng chủ yếu để làm cảnh thay vì làm thuốc hay thực phẩm chức năng. Nhiều chuyên gia ở Viện Sinh thái & Tài nguyên Sinh vật, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp (khoa Cây cảnh) và Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam nói rằng, họ không biết đến loại cây này và tác dụng của nó.

Cây Thần Kỳ du nhập vào Việt Nam cách đây 10 năm và vài năm gần đây mới rộ lên ở TP Hồ Chí Minh với tư cách là cây cảnh và cây thuốc, cây dinh dưỡng kỳ diệu.

Minh Nguyễn là chủ một nhà vườn độc đáo mang tên Kỳ Diệu tọa ở Ấp Chán, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TPHCM. Trò chuyện với chúng tôi, anh tự nhận mình có lẽ là người đầu tiên đưa cây này vào Việt Nam mà thực chất là món quà khoảng chục cây do một người bạn Việt kiều tặng cách đây 10 năm.

Nghe bạn kể về các đặc tính kỳ diệu của nó, Minh Nguyễn tìm hiểu thêm trên Internet, và đến nay anh trở thành một trong những đầu mối cung cấp cây Thần Kỳ lớn nhất TPHCM. Do không có chuyên môn về dược học và thực vật, anh mới chỉ khai thác nó ở góc độ cây cảnh hay bonsai và nghe nói bán khá chạy.

Cây rẻ nhất 30.000 đồng, khoảng 2-4 năm sau sẽ cho quả có đặc tính thần kỳ. Muốn cây cho quả sau 1-2 năm, phải mua với giá 100.000- 150.000 đồng/cây. Cây có quả đỏ ửng lộng lẫy có giá không dưới 600.000 đồng/cây cho mùa Tết Nguyên đán sắp tới. Với những cây có quả và có cả thế, anh ra giá cả chục triệu đồng.

Cả TPHCM hiện có 3- 4 nhà vườn nhận giống với khối lượng lớn từ nhà vườn Thần Kỳ. Cách đây mấy tháng, một số nhà buôn cây cảnh ngoài Hà Nội đặt vấn đề với Minh Nguyễn chuyển cây này ra Hà Nội và đấy là dự án mới nhất của chủ vườn Thần Kỳ.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.