Nông thôn mới - Một bước chuyển mới

15/01/2011 01:02 GMT+7

Cha ông ta đã dạy “Phi nông bất ổn” trước khi nói đến “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt”, “phi trí bất hưng”. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) là chủ lực trong Cách mạng Tháng Tám, trong các cuộc kháng chiến.

Đổi mới bắt đầu từ nông nghiệp và giúp cho đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tiềm ẩn từ cuối những năm 70, bùng phát trong những năm 80, kéo dài đến đầu những năm 90. Tam nông góp phần tránh cho đất nước rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 - 2009 (khủng hoảng lương thực 2008, giải quyết việc làm khi lao động trong các làng nghề, các khu công nghiệp mất hoặc thiếu việc làm, kiềm chế lạm phát 2009); tăng xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu năm 2010... Trong điều kiện tam nông còn chiếm trên 70% dân số, chiếm trên 20% GDP của cả nước, chiếm trên 80% tổng số người nghèo, nhưng thu nhập bình quân chỉ bằng một nửa của thành thị, năng suất lao động chỉ bằng một phần năm của công nghiệp - xây dựng..., thì tỷ trọng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dành cho nông, lâm nghiệp - thủy sản chỉ chiếm khoảng 6,3% (chỉ bằng một nửa tỷ trọng của các năm từ 2000 trở về trước). “Cánh kéo” giá cả giữa lương thực, thực phẩm với các hàng hóa khác vẫn còn rất lớn.

Đã có nhiều chuyên gia đề cập phải chăng tam nông sản xuất ra những mặt hàng thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm nhưng nay đã đủ, thậm chí đã dư dật? Phải chăng các tầng lớp dân cư khác đều được làm chủ, có tài sản riêng (dưới dạng cổ phần, cổ phiếu...), còn nông dân tài sản lớn nhất là ruộng đất thì thuộc “công thổ quốc gia”, giá đền bù khi thu hồi chỉ bằng một phần bao nhiêu của giá thị trường?

Nghị quyết 26/TW 7 khóa X đã góp phần giải quyết các vấn đề trên. Trên tinh thần đó, dự thảo các Văn kiện Đại hội XI đã đề ra mục tiêu số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đến năm 2015 đạt 20% và đến năm 2020 là 50%. Tiêu chuẩn để một xã đạt nông thôn mới bao gồm tới 19 tiêu chí - “quét” khá rộng trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực từ quy hoạch, đến hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng (điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sạch...), hạ tầng mềm (cơ chế, chính sách, thông tin gắn với trí tuệ con người, còn khó hơn...). Cả nước hiện có 9.121 xã, việc đáp ứng đủ 19 tiêu chí nông thôn mới sẽ cần sự đầu tư lớn hơn,  và lâu dài hơn...

Xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí là một bước chuyển biến mới đối với nông thôn của một đất nước đến cuối thập kỷ tới cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bên cạnh 19 tiêu chí, có hai đặc điểm quan trọng và không kém phần khó khăn là chuyển từ tư duy, tâm lý tiểu nông sang làm ăn theo lối công nghiệp, mở cửa hội nhập. Đối với một nước từ nông nghiệp đi lên thì trong một thời gian tương đối dài nữa Việt Nam vẫn cần đặc biệt quan tâm đến tam nông, coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là trọng điểm số một của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.