Năm ngoái được ghi nhận là thời gian phát đạt của ngành buôn bán vũ khí, với tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 75 tỉ USD. Mỹ tiếp tục giữ ngôi vị quán quân trong 3 năm liên tiếp về xuất khẩu vũ khí, chiếm 30% giá trị hợp đồng trên toàn thế giới, theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI). Tất nhiên, những cái tên còn lại trong danh sách 5 nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới vẫn là các gương mặt cũ như Nga, Đức, Pháp, Anh. Theo đó, Nga chiếm hơn 23% doanh thu buôn bán khí tài quân sự, kế đến là Đức, Pháp và Anh.
Thống kê theo từng 5 năm của SIPRI cũng cho thấy bộ ngũ nắm trong tay đến 76% thị phần vũ khí trên thế giới trong giai đoạn 2005 - 2009. Về chi tiêu quân sự của thế giới, chưa có con số cụ thể cho năm 2010, còn trong năm 2009, các quốc gia đã chi tổng cộng 1.521 tỉ USD, tăng 6% so với năm trước và tăng 49% so với thời điểm 2000. Mỹ và NATO chiếm 70% con số này.
Điểm nóng châu Á - Thái Bình Dương
Báo cáo hằng năm Yearbook 2010 của SIPRI, vừa được công bố hồi đầu tháng này, xác định khu vực mua vũ khí nhiều nhất là châu Á - Thái Bình Dương, kế đến là châu u và Trung Đông. Đầu năm ngoái, Mỹ đã "mở hàng" trong khu vực này bằng hợp đồng cung cấp gói vũ khí trị giá
6,4 tỉ USD cho Đài Loan, sau đó chuyển giao 200 tên lửa đánh chặn Patriot cho lãnh thổ này. Đến cuối năm, Nhật Bản công bố Sách Hướng dẫn chương trình phòng thủ quốc gia mới, với kế hoạch mở rộng việc triển khai tên lửa PAC-3 của Mỹ và tên lửa đối không hiện đại SM-3 dùng trang bị cho chiến hạm. Đây là sản phẩm của một trong những dự án hợp tác lớn nhất của Mỹ - Nhật trong lĩnh vực quân sự. Một nước lớn khác trong khu vực là Hàn Quốc cũng muốn khẳng định vị thế tại châu Á - Thái Bình Dương và mở rộng hệ thống lá chắn tên lửa quốc tế của Mỹ.
Dẫn lại các nguồn tin quân sự, tờ Global Times ghi nhận Mỹ đã bán hệ thống tên lửa Patriot cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Ba Lan và Đài Loan. Nếu tính theo địa bàn khu vực, Patriot đang hiện diện đông đảo nhất tại Đông Bắc Á, Nam Á, Trung Đông và Đông u. Một số báo cáo khác cho thấy các nước như Nhật Bản đang xem xét mua hệ thống tên lửa phòng không tầm cao THAAD hiện đại của Mỹ trước những chuyển biến đáng ngại trong khu vực, nhất là tại bán đảo Triều Tiên và sự trỗi dậy mạnh mẽ về năng lực quân sự của Trung Quốc.
Theo SIPRI, chi tiêu cho quân đội của Trung Quốc ở mức 98,8 tỉ USD trong năm ngoái, đứng thứ hai sau Mỹ với 663,2 tỉ USD. Sau 20 năm, chi tiêu quân sự luôn tăng đều ở mức 2 con số và giờ đây Bắc Kinh đã tự tin phô trương khả năng của mình. Hồi tháng 10.2009, Trung Quốc đã tung ra 52 loại vũ khí hiện đại trong cuộc diễu binh nhân dịp 60 năm quốc khánh nước này. Máy bay tàng hình J-20 là bất ngờ mới nhất của Trung Quốc, với lần bay "biểu diễn" đầu tiên trong tuần này ngay khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm Bắc Kinh.
RIA-Novosti dẫn lời Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí thế giới của Nga, cho hay châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là bạn hàng lớn nhất của nước này trong năm 2011, với tổng giá trị hợp đồng ước khoảng 6,32 tỉ USD trong số doanh thu hơn 10 tỉ USD trên toàn cầu.
Tiêm kích bán chạy nhất
Đứng đầu danh sách xuất khẩu vũ khí trên thế giới chính là dòng máy bay tiêm kích, kế đến mới tới hệ thống tên lửa đất đối không và các vũ khí khác. Máy bay chiến đấu chiếm 1/3 số lượng chuyển giao vũ khí trên toàn cầu, với Mỹ đứng đầu danh sách xuất khẩu, còn Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Israel là những khách hàng lớn nhất, theo SIPRI. Cụ thể, từ năm 2005 đến 2009, Mỹ đã bán 341 chiến đấu cơ, tăng mạnh so với con số 286 trong giai đoạn 5 năm trước, trong khi Nga bán 219 chiếc, giảm từ 331; Pháp bán được 75 chiếc, tăng so với 58.
AFP dẫn kết quả khảo sát của SIPRI cho thấy chỉ có 11 nước nằm trong danh sách tự sản xuất máy bay chiến đấu, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Thụy Điển, Ấn Độ, Nhật Bản. Ngoài ra còn có Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh nằm trong liên doanh Eurofighter Gmbh. Tuy nhiên, danh sách người mua lại dài ngoằng.
Trong vòng 5 năm, hơn 50 nước trên thế giới muốn nâng cấp không quân bằng việc mua máy bay tiêm kích thế hệ mới hoặc chí ít cũng phải là hàng "second-hand" nhưng vẫn còn tốt của các cường quốc vũ khí. Tổng cộng đã có 995 chiếc máy bay chiến đấu được buôn bán trong thời gian này. Đứng đầu danh sách khách hàng là Israel với 82 chiếc, kế đến là Ba Lan (48), Trung Quốc (45), Yemen (37), Jordan (36), Syria (33), Algeria (32), Chile (28), Venezuela (24), Pakistan (23), Bangladesh (16). Đó là chưa kể số lượng máy bay mà các nước xuất khẩu tự trang bị cho mình từ các tập đoàn vũ khí nổi tiếng, theo đó Ấn Độ mua nhiều nhất với 115 chiếc và Mỹ mua 33 chiếc. Ngoài ra, SIPRI còn cảnh báo "nhiều nhà nhập khẩu nằm ở khu vực mà căng thẳng quốc tế đang ở mức nghiêm trọng".
"Máy bay tiêm kích luôn là một trong những vũ khí quan trọng nhất cần thiết cho quốc phòng hiện đại, và chúng cho phép các nước có khả năng dễ dàng thọc sâu vào lãnh thổ quốc gia láng giềng mà ít bị phát hiện trước", AFP dẫn lời Siemon Wezeman, tác giả cuộc nghiên cứu. Một số ví dụ điển hình, theo SIPRI, là vụ Israel không kích vào Syria hồi tháng 9.2007 và Nga triển khai máy bay chiến đấu đến Georgia trong cuộc chiến ngắn ngủi vào tháng 8.2008. Theo Wezeman, việc sở hữu máy bay tiêm kích rõ ràng có ảnh hưởng đến sự mất cân bằng trong khu vực.
Điều đáng nói là trong lúc việc chuyển giao tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và công nghệ của chúng luôn được kiểm soát gắt gao do khả năng mang vũ khí hạt nhân và các đầu đạn hủy diệt hàng loạt, chuyện mua bán máy bay tiêm kích và tên lửa đất đối không có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân lại ít bị quản lý, nếu không muốn nói là lỏng lẻo.
Đối với các quốc gia sản xuất, lợi nhuận thu được là vô cùng to lớn. Một máy bay hiện đại có giá hơn 40 triệu USD, và trên thực tế giá không bao giờ dừng lại ở mức đó, theo SIPRI. Tạp chí về quân sự Jane's Defence Weekly (Anh) số ra ngày 16.9.2009 cho hay trong lúc Na Uy tính toán trả đến 54 triệu USD cho mỗi chiếc máy bay F-35 của Mỹ thì Lầu Năm Góc muốn thu 97 triệu USD/chiếc.
Lợi nhuận khổng lồ là yếu tố đầy hấp dẫn khiến các nhà sản xuất muốn tăng cường chào bán máy bay tiêm kích nhiều hơn nữa. Ví dụ, liên doanh Eurofighter vừa bỏ túi từ 6 đến 7 tỉ USD cho gói bán 72 chiếc máy bay đến Ả Rập Xê Út, trong khi Úc trả Mỹ 4,8 tỉ USD để đổi lấy 24 chiếc F/A-18E, còn Ấn Độ sẵn sàng chi 1,5-1,6 tỉ USD cho 40 chiếc Su-30 của Nga. Trong chuyến thăm Tokyo hồi giữa tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã hồ hởi đề nghị Nhật Bản xem xét mua các dòng chiến đấu cơ hiện đại F-35, F/A-18 Hornet và F-15 Eagle của mình khi biết được đồng minh muốn nâng cấp sức mạnh không quân.
Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI là một viện nghiên cứu độc lập mang tầm quốc tế, có trụ sở tại Solna, phía bắc thủ đô Stockholm của Thụy Điển, theo Sipri.org. Được thành lập từ năm 1966 theo ý tưởng của Thủ tướng Thụy Điển khi đó là Tage Erlander, SIPRI hiện có một đội ngũ nghiên cứu khoảng 50 chuyên gia đến từ nhiều nước khác nhau, đặt dưới sự quản lý của một ban giám đốc gồm 9 chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực quân sự và chính sách đối ngoại. Hiện các chủ đề nghiên cứu của SIPRI tập trung vào an ninh thế giới, mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn, kiểm soát và giải trừ vũ khí... Năm 2009, tạp chí Foreign Policy của Mỹ đánh giá SIPRI là viện nghiên cứu không thuộc Mỹ có uy tín thứ 3 thế giới. |
Thụy Miên
Bình luận (0)