Những nỗ lực trước đây vào những năm 1990 để phục hồi nhân trong tế bào da và mô cơ của voi ma-mút, được tìm thấy ở vùng đất đóng băng Siberia, đã thất bại vì chúng đã bị hư hỏng nặng do ở trong nhiệt độ quá lạnh thời gian dài. Nhưng vào năm 2008, với những kỹ thuật hiện đại hơn, tiến sĩ Teruhiko Wakayama thuộc Trung tâm phát triển sinh học Riken đã thành công khi nhân bản vô tính một con chuột từ tế bào của một con chuột khác được đông lạnh 16 năm.
Nay, giáo sư Akira Iritani (Đại học Kyoto) đang vận động một chiến dịch nhằm phục hồi những loài đã tuyệt chủng từ 5.000 năm trước. Ông dự định ứng dụng kỹ thuật của tiến sĩ Teruhiko Wakayama để xác định nhân của những tế bào voi ma-mút còn khá tốt trước khi trích xuất chúng. Sau đó, các nhân sẽ được cấy vào tế bào trứng của loài voi châu Phi đóng vai trò “bà bầu”. Giáo sư Iritani ước tính thời gian mang bầu sẽ xấp xỉ 600 ngày.
Iritani đã công bố kế hoạch đi đến vùng đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia để cố gắng tìm kiếm các mẫu da và mô cơ kích cỡ chừng 3cm2 của voi ma-mút. Trong trường hợp không thành công, ông sẽ nhờ các nhà khoa học Nga cung cấp mẫu mà họ từng thu thập được. Báo Telegraph dẫn lời Iritani cho biết, ông có những cơ hội hợp lý để nhân bản thành công loài thú khổng lồ này trong vòng 4 hoặc 5 năm tới.
Tạ Xuân Quan
Bình luận (0)