Sao chổi "tiếp nước" cho mặt trăng?

16/01/2011 08:23 GMT+7

(TNO) Website space.com dẫn một nghiên cứu vừa được công bố tại Mỹ cho thấy, nước trên mặt trăng nhiều khả năng đến từ các sao chổi đã rơi xuống bề mặt hành tinh này.

Qua phân tích nước lấy từ các mẫu đá do tàu vũ trụ Apollo thu thập được trong các sứ mệnh thám hiểm mặt trăng trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến 1972, các nhà khoa học Mỹ phát hiện cấu tạo hóa học của nước trên đó khác với nước ở Trái đất, nhưng lại tương đồng với 3 sao chổi nổi tiếng: Hyakutake, Hale-Bopp và Halley.

Cụ thể, tỷ lệ 2 chất deuterium/hydrogen (D/H) đo được trong khoáng chất apatite có trong các mẫu đá thu thập trên mặt trăng rất khác so với tỷ lệ D/H trong nước ở Trái đất.

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Wesleyan ở thành phố Middletown, bang Connecticut, chỉ có sao chổi và một số ít thiên thạch có tỷ lệ D/H tương tự nhau.

Điều này cho thấy nhiều khả năng nước trên mặt trăng được tạo nên từ những lần chị Hằng va chạm với sao chổi.

Phát hiện của giáo sư Greenwood và đồng nghiệp giúp tìm hiểu về nguồn gốc của các đại dương trên Trái đất.

Theo Giáo sư Greenwood, trưởng nhóm nghiên cứu, nếu thật sự sao chổi là nguồn cung cấp nước cho Mặt trăng thì không thể loại trừ khả năng các đại dương trên Trái đất đã tiếp nhận một số lượng lớn nước từ các sao chổi.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã được công bố trên chuyên san Nature Geoscience số mới nhất.

Quyên Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.