Mặc dù luật pháp ngăn cấm, nhưng ở nhiều vùng nông thôn miền Trung trong thế kỷ 20, việc các đấng mày râu có thêm vợ hai, vợ ba vẫn thường xảy ra. Nhưng chuyện vợ cả đi cưới vợ cho chồng thì khá hiếm.
Vì sự nghiệp... nối dõi
Bác Năm tôi lấy bác Hai gái đến mười năm vẫn không con. Bác Năm vốn là người đàn ông lịch thiệp trong làng, ông tham gia vào các hội đàn ca hát xướng mong cho khuây khỏa. Nhưng những lúc nghĩ đến “tiền đồ”, ông lại không yên lòng. Bà con khuyên hai bác xin anh Sáu là con trai út của bác Cả về làm con nuôi để cầu may mắn. Anh Sáu về ở nhà hai bác mấy năm mà bác Hai gái vẫn... lạnh tanh. “Đến nước này thì thím phải kiếm cho chú nó một chị lẻ để có mụn con trai sau này lo hương khói!”, một lần bác Cả nói thẳng với bác Hai gái như vậy.
Ba tháng sau, một đám cưới đơn giản được tổ chức do chính bác Hai gái dàn xếp. Bác dâu mới của chúng tôi (sau này chúng tôi gọi thân mật là bác Năm nhỏ) là một phụ nữ ngoài ba mươi, nhưng nhan sắc hãy còn mặn mà lắm.
Sau ba năm chung sống, bác Năm nhỏ sinh ra cho bác trai tôi hai “ông trời con” kháu khỉnh. Bác Hai gái vẫn mỗi ngày cùng bác Năm nhỏ chăm sóc hai đứa con chồng hết sức chu đáo như con đẻ của chính mình. Nhưng nếu tinh ý, người ta sẽ thấy có lúc bà đứng khóc thầm một mình trong bếp, khuôn mặt bầu phúc hậu năm nào giờ đã nhanh chóng hằn lên những nếp nhăn dưới đôi mắt mỗi ngày một buồn hơn.
Quyền lực vợ cả
Bên xóm Thượng, còn có một gia đình khá đặc biệt. Vợ cả là chủ gia đình, đặt định mọi việc từ trong ra ngoài.
Suốt năm ròng, bà đứng ra lo vật tư, kêu thợ xây dựng xong ngôi từ đường khang trang. Mấy năm sau, bên cạnh đó là một dãy nhà ngói năm gian mọc lên. Bà tích góp mua thêm năm sào ruộng hạng nhứt... Nhà bà có của ăn của để trong khi mấy người em chồng cứ sa sút dần vì chè chén, cờ bạc. Lão Thủ Hoanh chồng bà chẳng nên tích sự gì, lại còn bị mấy ông em khích bác, nào là sợ vợ, nào là nam vô tửu như kỳ vô phong, nào là chẳng biết trai gái cờ bạc gì sao lại gọi là đàn ông...!!! Lão thiệt thà kể lại với vợ.
Bà Thủ coi vậy mà thương chồng. Bà đích thân đi khảo sát mấy địa điểm cờ bạc ở thị tứ gần làng, kể cả tìm hiểu chỗ ăn chỗ ở của những con bạc. Rồi sai người ở thân cận đi cùng lão Thủ Hoanh. Chú người ở mang tiền đi theo chủ, được bà chủ sai: “Mỗi bữa phải qua cái quán cơm của con X. gần đó mua cho ông mày ăn, quán đó sạch sẽ...”.
Lão Thủ Hoanh vui ra mặt với đám em trai. Tâm lý vững vàng nên cờ bạc càng hanh thông. Lão ăn nhiều hơn thua nên rộng rãi với mọi người, kể cả cô X. hàng cơm.
Mấy tháng sau, vào một đêm mưa, lão lựa lúc thuận lợi nhất, khai thiệt với vợ: “Con X. nó đã có chửa với tôi rồi bà ơi!”. Sau một lúc trầm ngâm, bà Thủ cất lời: “Để đó, coi ngày tốt, tôi xuống cưới nó cho ông để khỏi mang tiếng với làng nước!”.
Cưới cô X. hàng cơm cho chồng, làm cho họ gian nhà ngang trong vườn, nhưng bà Thủ Hoanh ra lệnh nghiêm: “Có tui ở nhà thì đừng léng phéng!”. Nhưng cũng là đàn bà, lại có học nên bà Thủ khá tâm lý. Mươi ngày, nửa tháng, bà xách giỏ, cầm nón bước xuống hiên, nói hơi to giọng một chút: “Dì X. nó ở nhà coi ngó, tôi về bên ngoại mấy ngày!”. Được “xả trại”, cả cô X. và lão Thủ như mở cờ...
Sau những đận như vậy, lão Thủ Hoanh và cô X. có với nhau hai đứa con nữa.
Đến nước này, bà Thủ mới đi tiếp nước cờ mới: “Cho dì nó một số vốn, bày cho cách buôn bán và mua cho ngôi nhà ở dưới thị trấn để… ra riêng. Nhưng khi có phép, lão Thủ Hoanh mới được đi thăm con và vợ lẻ!”.
Nhiều năm sau này, trong những câu chuyện về tổ tiên trong ngày Tết, con cháu bà Thủ Hoanh kể lại: Hồi đó bà quyết định như vậy là để tránh chuyện “con tôi con dì” sau này tranh nhau gia tài rồi mất đi cái tình máu mủ! Nhờ vậy, ngày nay con cháu của hai bà tuy ở xa, nhưng một lòng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau...
* * *
Những trường hợp trên đây không phải là các câu chuyện điển hình, nhưng kể lại để thấy rằng: trong gia đình của các thời kỳ trước đây, người phụ nữ nhiều khi phải hy sinh hạnh phúc riêng vì những thứ ràng buộc đôi khi rất vô nghĩa!
Kể vợ tôi nghe, giải thích như vậy, tưởng vợ yên lòng, ai dè bả phang ngay: “Thôi, có nghĩa hay vô nghĩa cứ để đó một mình tôi lo, ông đừng có tưởng bở!”.
Trương Điện Thắng
Bình luận (0)