Tiếng kẻng khuyến học

21/01/2011 21:48 GMT+7

Suốt 12 năm qua, bất kể nắng mưa, ông giống như một chiếc đồng hồ báo thức của bao thế hệ học trò trong ngôi làng heo hút phía tây huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị).

Ông là Võ Công Thông. Có người còn gọi ông là “lão đánh kẻng”. Ông chia sẻ: “Đời tui là nông dân rồi nên tui muốn cháu con tui phải khác, cực mấy tui cũng cho chúng đi học đến nơi đến chốn. Thời đó (những năm sau 1975 - PV) việc trong nhà ngoài ngõ bao nhiêu tui cũng gồng lên để mần, đơn giản là để con cái nó rảnh rang theo học hành”.

Có lẽ nhờ thấy được những nỗi lo hằn sâu trong mắt mẹ, những trở trăn khắc trên trán cha nên cả 4 đứa con của ông đều học cao và đỗ đạt. Bà Nguyễn Thị Hiển, vợ ông tự hào nói với chúng tôi: “Cả bốn đứa đều vào đại học cao đẳng, chừ có vợ có con hết rồi. Đứa làm kinh doanh, đứa làm kế toán, đứa làm giáo viên, đủ cả anh ạ”.

Gia đình ấm êm, con cái học hành đàng hoàng nên đến năm 1998 ông Thông được bầu làm Trưởng làng Hải Lam. Cũng từ đây, với cương vị là người đứng đầu, ông đã xoay xở đủ mọi cách để vực dậy sự học tưởng chừng như đã bị lãng quên ở nơi mà nhiều khi vì miếng cơm manh áo hằng ngày người ta ít khi nghĩ đến. Trong tất thảy đó, ý tưởng về “tiếng kẻng khuyến học” được ông áp dụng và thành công nhất.

“Ngay cả đến cái kẻng mà tôi dùng cũng có một lịch sử, nó đi theo sự phát triển của dân Hải Lam. Từ thuở ban sơ, nó được dùng hiệu lệnh trong những hoạt động của hợp tác xã, đánh 1 hồi 3 dùi là họp xã viên, đánh 2 hồi 6 dùi là gọi dân lên chia lúa, hàng hóa... Và bây giờ, khi chừng như nó đã trở nên vô dụng thì đều đặn hằng đêm lại được tui gióng lên 6 tiếng để gọi lũ trẻ ngồi vào bàn...” - ông Thông nói.

Từ độ ấy đến nay, bất kể nắng mưa, cứ đến 7 giờ tối là ông Thông lại lục đục tìm dùi. Có người trêu rằng ông đang tự biến mình thành một chiếc đồng hồ, chính xác đến từng giây, từng phút. Ông bảo việc ông làm ít tốn công nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ. Đến nỗi tất thảy những đứa trẻ ở độ tuổi cắp sách đến trường trong làng dù ở bất kỳ đâu và làm việc gì, chỉ cần nghe kẻng là răm rắp ngồi chăm chú học bài, nghiêm túc như những “học kỳ trong quân đội”. Lâu dần thành quen, nhiều người đi khỏi làng không còn nghe tiếng kẻng lại nhớ. Và có những câu chuyện tiếu lâm về tiếng kẻng của ông Thông rằng, vài người đã qua tuổi cắp sách nhưng trong nhiều buổi tối nhập nhoạng, thiu thiu ngủ, chợt thức giấc bởi âm thanh quen thuộc, bật dậy ngồi vào bàn. Đó như là phần ký ức đã găm vào đầu, cả tuổi thơ của họ có phần tiếng kẻng ông Thông...

Cũng chính ông Thông là người khởi xướng quỹ khuyến học của làng, mỗi năm học qua, đám trẻ trong ngôi làng nhỏ lại xúm xít, hồi hộp chờ những món quà, những phần thưởng động viên từ thành tích đã đạt được. Nhỏ bé thôi nhưng chứa chan tình làng nghĩa xóm.

Ông Nguyễn Đức Bứa (hàng xóm của ông Thông) cho rằng: “Sẽ là sai lầm nếu như người ta xem thường tiếng kẻng đó. Lấy nhà tôi ra mà làm ví dụ, tôi quăng quật cả ngày cũng ít có thời gian nhắc nhở tụi nhỏ, nhưng giờ cả 4 trình độ đại học hẳn hoi. Nhờ ông Thông cả”.

Nhìn vào “bảng vàng” theo dõi lại việc học của đám trẻ làng được ông Thông ghi chép lại cẩn thận, nhiều người phải giật mình khi ở trong ngôi làng nhỏ với hơn 50 nóc nhà nhưng có đến gần 50 người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Trẻ làng này đi học tệ nhất cũng hoàn thành xong lớp 12. Hơn thế, đi quanh làng tuyệt nhiên hiếm thấy bóng dáng cô cậu thanh niên du thủ du thực, văng tục chửi thề. “Học chữ tất học lễ nghĩa, học làm người. Thanh niên làng Hải Lam bây giờ có tiếng ngoan ngoãn, chăm lam chăm làm lắm anh ạ” - ông Thông nở nụ cười ý nhị, mắt sáng lên rất đỗi phấn khởi.

Học vấn cao, người Hải Lam ngày càng giành được những “tiêu chuẩn” như làng văn hóa, làng không sinh con thứ ba và thực sự thì bộ mặt của làng cũng đổi thay nhiều. Và để có được kết quả đó, chẳng ai có thể quên những viên gạch đầu tiên mà ông Thông đã xây nên với biết bao sự tin tưởng, thương mến.

Trở ra cổng làng Hải Lam, chúng tôi bắt gặp một vài đứa trẻ trong đồng phục tinh tươm bước tới trường chuẩn bị cho năm học mới. Ngoảnh về phía cuối con đường, nơi góc sân nhà vẫn thấy bóng ông Thông dõi mắt theo đám trẻ tung tăng trên con đường đỏ mấp mô...

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.