Xét xử "động" massage Tân Hoàng Phát

24/01/2011 18:14 GMT+7

(TNO) Đa số bị cáo trong vụ “động" massage Tân Hoàng Phát phản cung cho rằng bị ép cung. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho rằng, việc các bị cáo khai trước tòa bị nhân viên cảnh sát điều tra ép cung là không có cơ sở.

 “Luật rừng” của “trùm” Trí

Ngày 24.1, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "bắt giữ người trái pháp luật", "cưỡng đoạt tài sản" do Phan Cao Trí cùng đồng phạm thực hiện.

Theo cáo trạng, Trí đã chủ mưu, cầm đầu tổ chức kinh doanh trá hình lừa gạt các cô gái mới lớn nhẹ dạ cả tin cần việc làm ký các bản thỏa thuận và bản cam kết trái pháp luật và giao cho Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường, Nguyễn Hoài Nhanh, Nguyễn Minh Phương tổ chức thực hiện việc bắt giữ người trái pháp luật đối với nhân viên Trần Ngọc Tình và 65 nhân viên masssage được cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) giải thoát vào ngày 6.12.2008.


"Trùm" Trí và đồng phạm được dẫn giải về trại tạm giam sau ngày đầu xét xử - Ảnh:: Trần Duy

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP.HCM, Công ty TNHH Tân Hoàng Phát (29-31 đường số 4, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) thành lập 11.10.2005, kinh doanh dịch vụ xông, xoa bóp.

Người đại diện theo pháp luật là Phan Cao Trí. Đến tháng 6.2008, Trí chuyển cho em vợ là Phan Việt Hậu đứng tên. Thực chất, “trùm” Trí vẫn đứng sau lưng Hậu điều hành công việc. Ngoài làm chủ Công ty Tân Hoàng Phát ở TP.HCM, Trí còn làm chủ các cơ sở massage khác ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Khi nhận nhân viên mới vào làm việc, Trí và Hậu áp dụng “luật rừng”, buộc các nhân viên massage ký vào 2 bản thỏa thuận buộc nhân viên phải ăn, ở tại công ty không được phép đi ra bên ngoài, làm việc sau 6 tháng mới được xin nghỉ phép 1 lần 7 ngày. Nếu làm việc dưới 6 tháng mà xin nghỉ việc là vi phạm hợp đồng, nhân viên phải bồi thường lại số tiền theo quy định của Trí là 24 triệu đồng.

Tuy hợp đồng ghi lương nhân viên massage ký trong hợp đồng lao động là 670.000 đồng/tháng nhưng thực tế công ty chỉ trả cho nhân viên 500.000 đồng/tháng và tiền khách “boa” nhân viên chỉ được hưởng 90%, còn công ty hưởng 10%.

Các nhân viên massage không được nghỉ phép như hợp đồng đã ký; hoàn toàn mất tự do đi lại và phải làm việc từ 9 giờ sáng hôm trước cho đến 1 giờ sáng hôm sau.

Hết giờ làm việc, tất cả nhân viên được đưa về giữ tại nhà vợ chồng Trí - Yến (46-48 đường số 4, phường Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, đối diện công ty Tân Hoàng Phát). Bên ngoài cửa lúc nào cũng có khoảng 10 người canh giữ 24/24 giờ đề phòng nhân viên bỏ trốn ra bên ngoài.

Nếu nhân viên nào bỏ trốn bị bắt lại hoặc bị khách phàn nàn vì phục vụ không tốt (không massage kích dục cho khách), Trí, Hậu, Cường đánh đập và xử “đình tua” không cho đi làm, bắt ở nhà dọn dẹp vệ sinh, phụ làm bếp từ 3 đến 7 ngày.

Trí và đồng bọn thực hiện việc quản lý nhân viên như “xã hội đen”. Nhân viên đau ốm khi đi khám bệnh đều có bảo vệ đưa đi canh giữ cẩn thận từ lúc đi cho đến lúc về. Nhân viên bỏ trốn bị bắt giữ và đánh đập được Trí và đồng bọn gọi là “xử lý kỷ luật”.

Điển hình như vụ nhân viên nữ T.T.T, T.T.L.Đ. Sau khi cuộc trốn thoát của hai nữ nhân viên này bất thành, Trí và đồng bọn đã bắt giữ, đánh đập T. và Đ, buộc người nhà của nhân viên massage nộp tiền, chuộc người.

Phản cung

Trong phiên tòa ngày 24.1, ngoài Nguyễn Hoài Nhanh, phó quản lý cơ sở massage Tân Hoàng Phát khai nhận tội danh mà Viện KSND truy tố, thừa nhận có tham gia vào việc bắt giữ nhân viên T. trái pháp luật, các bị cáo Trí, Cường, Phương, Hậu, Yến bác bỏ toàn bộ lời khai trước đó tại cơ quan điều tra, cũng như cáo trạng của của Viện KSND.

Sau nhiều lần chối tội, khai quanh co, Trí, Hậu, Phương nói đã bị nhân viên cơ quan điều tra ép cung, chích roi điện (?). Yến “mếu máo” trước tòa khai “do sợ bị bắt” khác với thái độ cười cợt trước đó trong phần kiểm tra lý lịch bị cáo, Yến còn cười tươi khiến chủ tọa phải nhắc nhở. “Trùm” Trí không nhận là người đứng sau lưng điều hành, soạn thảo các quy định trái pháp luật cũng như tham gia vào việc đánh đập nhân viên bỏ trốn.

Tuy nhiên, các bị cáo này không thể giải thích hợp lý khi chủ tọa phiên tòa trích lục lời khai của các bị cáo trước đây tại cơ quan điều tra. Chủ tọa phiên tòa cho rằng, việc các bị cáo khai trước tòa bị nhân viên cảnh sát điều tra ép cung là không có cơ sở. Đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa cũng cho rằng, cơ quan điều tra ghi nhận đầy đủ phản cáo của Trí nên không có cơ sở đặt vấn đề nhân viên cơ quan điều tra ép cung. 

Một số bị hại cũng đã mô tả hơn những hành vi chiếm đoạt tiền bạc cũng như bị Hậu, Trí đánh đập. Chị N.T.L.Đ cho biết vì không muốn bị “đình tua” và sợ khách phản ánh với chủ, Đ. đã “chiều lòng” quan hệ với khách dẫn đến có thai”. Theo chỉ đạo của Hậu, một nhân viên khác đã đem Đ đi phá thai, sau đó trước sự chứng kiến của hàng chục nhân viên, “trùm” Trí đánh dập mặt Đ.

Người thân các bị hại cũng khai rõ thời gian, cách thức Trí, Yến nhận tiền “chuộc thân” của con cái họ.

Trong phiên tòa ngày 24.1, Hội đồng xét xử cũng ghi nhận thêm yêu cầu của nhiều bị hại đối với vợ chồng Yến, Trí vì đã chiếm đoạt tài sản của họ.

Cá biệt, có hai trường hợp (được triệu tập với tư cách người bị hại) đã xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ tội cho “anh chị Hai” (vợ chồng Yến, Trí) vì đã có công tạo công ăn việc làm để họ có tiền gởi về quê. Tòa đã xác minh đa số các trường hợp khác và đều ghi nhận hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật của vợ chồng Yến, Trí.

Ngày mai (25.1), tòa tiếp tục làm việc.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.