Giải pháp chống nghẽn ATM

Giải pháp chống nghẽn ATM

25/01/2011 09:41 GMT+7

Đến hẹn lại lên, tình trạng chen lấn, xếp hàng mòn mỏi trước các máy ATM để rút tiền lại tái diễn. Tuy nhiên, việc cải thiện, gia tăng dịch vụ của ngân hàng (NH) vẫn còn rất chậm...


Chen nhau trước máy ATM để rút tiền - Ảnh: D.Đ.M

Mỗi lần thao tác trên máy ATM, chủ thẻ mất từ 2 - 3 phút/lệnh, trong khi số lượng người giao dịch quá nhiều, đặc biệt là dịp lễ, tết dẫn đến đường truyền của máy bị nghẽn. Số máy ATM bị “liệt”, không giao dịch trong những ngày gần tết tăng nhiều hơn. Đa số các máy ATM hiện nay chỉ cho phép rút tối đa vài triệu đồng/lệnh khiến thời gian giao dịch của mỗi khách hàng kéo dài, gia tăng tình trạng quá tải.

Tăng lượng tiền rút 5 triệu - 10 triệu/lần

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) là NH đầu tiên cho phép khách hàng rút mỗi lần 10 triệu đồng. Để làm được điều này, theo bà Lan Anh - Phó giám đốc Trung tâm Thẻ Đông Á, phần thiết kế bên trong của máy DongA Bank như bộ phận đếm tiền, độ rộng của khe máy đưa tiền ra, lập trình… cho phép đưa ra số lượng tiền nhiều hơn.

Lượng tiền quá lớn được rút từ thẻ ATM là điều cần phải xem xét lại. Chức năng chính của thẻ ATM là để thanh toán hàng hóa dịch vụ chứ không chỉ để rút tiền

TS Lê Thẩm Dương

Ông Lê Huỳnh Hà - Trưởng  phòng Dịch vụ thẻ NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh TP.HCM, cũng cho biết dòng máy ATM của DongA Bank cho phép khe tiền đưa ra số lượng nhiều hơn các máy ATM khác. Một số máy ATM của Vietcombank hiện nay có đưa vào tiền 500.000 đồng nên khách hàng rút được 5 triệu đồng/lần. Thế nhưng NH không có đủ lượng tiền mệnh giá lớn này để bố trí cho toàn bộ các máy nên các khách hàng của Vietcombank vẫn phải chấp nhận rút cao nhất là 3,5 triệu đồng/lệnh.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận xét: "Cách đây hơn 5 năm, NH đề phòng khách hàng bị mất thẻ, mất tiền nên hạn chế số tiền rút của khách hàng là 2 triệu đồng/lần. Mức này hiện nay là bất tiện vì thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, đặc biệt có tiền lương thưởng tết, thu nhập tăng đột biến so với thu nhập các tháng trong năm. Do đó thời gian rút tiền tại máy ATM ngày càng lâu với quy định rút một lần 2 triệu - 3 triệu đồng. Hơn nữa, thao tác rút tiền ở một số máy ATM quá rườm rà, chủ thẻ phải lấy tiền xong, chờ lấy thẻ ra rồi bỏ thẻ vào để tiếp tục rút thêm lượng tiền khác. Về nghiệp vụ, các NH hoàn toàn có thể giải quyết nhanh tình trạng quá tải tại các máy ATM hiện nay như tăng số tiền mỗi lần rút lên 5 - 10 triệu đồng /lần, 40 triệu đồng/ngày".

Thanh toán bằng thẻ

 

Máy không chịu nhả tiền

Khi các máy ATM quá tải, hay xảy ra tình trạng máy không chịu nhả tiền. Thời gian mà NH trả lại tiền cho khách mất đến 15 ngày. Với những công nhân chẳng may gặp hoàn cảnh này thì chẳng còn tiền sắm tết. Theo lý giải của nhân viên NH thì phải chờ NH hay NH bạn kiểm tra số dư tiền trong máy ATM, lúc đó NH mới trả lại tiền cho chủ thẻ nếu máy chưa trả tiền. Quy trình này thường mất thời gian vì phải chờ máy ATM hết tiền mới kiểm tra được. Tuy nhiên, một trưởng phòng thẻ của một NH cổ phần tiết lộ các NH hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian giải quyết khiếu nại máy ATM "nuốt" tiền chỉ trong vòng vài giờ bởi các máy ATM đều có nhật ký điện tử để kiểm tra ngay.

Khi hỏi về các biện pháp chống "nghẽn" ATM dịp cuối năm, giải pháp của nhiều NH là tăng lượt tiếp tiền cho các máy.

Tuy nhiên, TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, giải pháp này, thậm chí ngay cả giải pháp tăng số tiền/lần rút cao lên cũng là không căn cơ. Hiện nay hệ thống máy ATM của các NH đã liên thông, chủ thẻ NH này có thể rút tiền ở máy ATM của NH khác. Thế nên một NH tích cực tiếp tiền cho máy không thể nào thay cho toàn bộ các NH khác. Chính vì vậy, sự tiếp tiền này cũng không ăn thua gì khi lượng người rút tiền tăng cao. Đồng thời, để có thể rút tiền ra mỗi lần được nhiều hơn, ngoài việc NH tăng hạn mức rút, lượng tiền trong máy cần có những mệnh giá lớn, chứ các tờ mệnh giá nhỏ cũng sẽ không thể nào rút được hạn mức cao. “Trước đây, khi chưa có chủ trương trả lương qua tài khoản thẻ, các NH có thể thực hiện 2 giải pháp này. Còn hiện nay một lượng thẻ phát hành ra thị trường quá lớn, lượng tiền quá lớn được rút từ thẻ ATM là điều cần phải xem xét lại. Chức năng chính của thẻ ATM là để thanh toán hàng hóa dịch vụ chứ không chỉ để rút tiền”, ông Dương nói.

Thế nhưng hiện nay các chủ thẻ vẫn chưa thật sự hài lòng khi dùng thẻ ATM để quẹt qua các máy POS nên vẫn xếp hàng dài ở các máy ATM rút tiền mua hàng. Một nhân viên NH quản lý thẻ thừa nhận, sử dụng thẻ thanh toán hiện “chưa tiện lợi bằng dùng tiền mặt tại các siêu thị vì dùng tiền mặt nhanh hơn”. Đó là chưa kể nếu đường truyền của máy POS trục trặc thì nhân viên phải quẹt đi quẹt lại nhiều lần… mỗi lần quẹt thẻ cần phải có chữ ký của tổ trưởng siêu thị, mất thời gian.

Như vậy có thể khẳng định, để hạn chế tình trạng "nghẽn ATM" đến hẹn lại lên như hiện nay, cần nhiều giải pháp đồng bộ mà trong đó, quan trọng nhất là tập thói quen thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ thay vì tiền mặt như hiện nay.

Hệ thống đường truyền đang có vấn đề

Theo một chuyên gia về công nghệ thông tin tại một NH cổ phần, tắc ATM khi thực hiện ngoài hệ thống không hẳn do giao dịch tăng nhanh, đột biến mà chính do hệ thống đường truyền của các liên minh thẻ hiện nay đang có vấn đề nghiêm trọng. Hiện tại 3 liên minh thẻ của VN gồm Smartlink với 27 thành viên, Banknetvn 16 thành viên, VNBC với 22 thành viên... nhưng hạ tầng kết nối, chuyển mạch giữa các thành viên này thông qua máy chủ vẫn rất chậm.

Trong khi đó, giám đốc trung tâm thẻ NH quốc doanh thẳng thắn: “Không thể cứ nghẽn, tắc lại đổ cho NH trong khi hệ thống đường truyền của bên viễn thông. Tết, tin nhắn cuộc gọi di động còn bị treo, huống gì hàng triệu giao dịch thực hiện tại một điểm nút ATM”.

A.Vũ - T.Xuân

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.