Lập nghiệp bằng nghề bò sữa

26/01/2011 17:58 GMT+7

Lần đầu tiếp chuyện với anh Thi Văn Lối ở Đức Hòa (Long An), tôi hỏi: “Làm sao để có được cuộc sống sung túc như vậy?”. Anh Lối nói ngay: “Do nuôi bò sữa mà gia đình tui sống khỏe”.

Theo nghề từ gia đình

Còn nhớ lúc mới 15 tuổi, anh Lối hay theo phụ ba chăm sóc bò. Lớn lên, thấy nghề nuôi bò sữa cho thu nhập ổn định và không quá vất vả như trồng lúa, anh Lối quyết định theo nghiệp gia đình từ đó. Lúc bấy giờ, thức ăn gia súc còn rẻ, cỏ đầy ruộng nên nguồn thức ăn cho bò gần như có sẵn. Điều khiến nông dân trăn trở nhất là giá thu mua sữa chưa được ổn định do phải bán thông qua thương lái, giá cả thất thường, không có quy định rõ ràng để nông dân theo đó thực hiện. Quyết tâm theo nghề nên anh Lối phải tìm cách để có được giá đầu ra rõ ràng, ổn định. Như vậy, anh mới tính được lợi nhuận mà gắn bó lâu dài với nghề. Đó cũng là lý do khiến anh quyết định ký hợp đồng bán sữa cho Cô Gái Hà Lan (tên gọi trước đây của FrieslandCampina VN) thay vì tiếp tục giao sữa cho các nơi thầu sữa dạo.

Theo anh Lối, đó là lần thay đổi mang tính quyết định vì anh cho rằng giao sữa cho công ty có chính sách giá ổn định, rõ ràng, minh bạch, có các tiêu chuẩn và hướng dẫn để nông dân biết cách làm theo như Cô Gái Hà Lan mới có thể giúp người nông dân sản xuất sữa với sản lượng và chất lượng cao, tự đứng vững trên đôi chân của mình. Thu nhập ổn định và đều đặn hằng tháng giúp anh có thêm tiền đầu tư, tăng đàn bò và cuộc sống ngày một khấm khá hơn.

Sống cùng nghề bò sữa

Nói vậy nhưng không có nghĩa là mọi việc đều thuận lợi bởi khi tăng đàn, anh Lối cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc quản lý. Trước đây với 8 con bò, mình anh xoay xở được nhưng nay có hơn 30 con, anh quản lý không xuể. Bò vừa cho sữa không ổn định, chi phí thức ăn tăng nhưng sữa không đạt sản lượng cao như mong muốn. Lúc này, anh nhờ đến sự hỗ trợ của đội khuyến nông FrieslandCampina VN và được khuyên tham gia các lớp tập huấn về quản lý trang trại.

Từ các lớp tập huấn, anh Lối học được rằng để quản lý trang trại từ 30 con trở lên, người chăn nuôi cần phải có tính toán khoa học, ghi chép rõ ràng. Để quản lý bò trong trại cho tốt, anh tập thói quen ghi chép như: ngày sinh, ngày tiêm ngừa, các bệnh bò đã từng gặp... Về khẩu phần, anh cho bò ăn theo các giai đoạn khác nhau vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo bò luôn có chất lượng và sản lượng sữa tốt. Đặc biệt, trước đây anh ít quan tâm đến chất lượng cỏ, thường cắt cỏ mọc hoang ở ruộng cho bò ăn. Sau khi tham gia lớp tập huấn, thấy tầm quan trọng của chất lượng cỏ đầu vào đối với đàn bò, anh liền dành riêng 5 công đất chuyên trồng cỏ. “Từ ngày tăng thêm diện tích đất trồng cỏ, tôi giảm bớt được chi phí mua thức ăn đáng kể mà chất lượng sữa vẫn đảm bảo, bán được nhiều tiền và bớt chi phí đầu vào nên lợi nhuận tăng thêm”, anh Lối hồ hởi khoe.

Sau hơn 2 năm thay đổi cách nuôi, anh Lối đã thuần thục trong việc quản lý đàn bò trên 30 con. Hiện anh không chỉ chăm đàn bò của gia đình mình mà còn quản lý luôn đàn bò của cha mẹ ruột. Nhìn lại con đường lập nghiệp bằng nghề bò sữa của mình, anh Lối luôn tin đó là lựa chọn đúng đắn. Anh nhận định đây còn có thể là hướng lập nghiệp cho thanh niên nông thôn khi con đường học vấn không mở ra trước mắt họ.

Thường xuyên tổ chức tập huấn nuôi bò sữa

Từ năm 1996, FrieslandCampina VN (với các nhãn hiệu nổi tiếng như Cô Gái Hà Lan, YoMost, Friso, Fristi…) đã thực hiện việc ký hợp đồng thu mua sữa trực tiếp với các hộ nông dân và tiến hành chương trình Phát triển ngành sữa nhằm giúp nông dân chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững. Trong gần 15 năm qua, công ty đã đầu tư hơn 10 triệu USD cho các hoạt động: xây dựng 4 trung tâm làm lạnh, 41 điểm thu mua, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng đội ngũ khuyến nông với hơn 70 người để hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi bò. Ngoài ra, chương trình luôn khuyến khích người nông dân sản xuất sữa chất lượng tốt thông qua chính sách trả tiền theo chất lượng sữa.

Thanh Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.