Thời huy hoàng
Ông là Hai Năng (Nguyễn Văn Năng, 45 tuổi), đã có trên 30 năm kiếm sống dưới đáy biển và là một trong những “ma biển” (biệt danh chỉ những thợ lặn ở Phú Quốc vốn thuộc biển hơn đất liền). Ông có mặt khắp nơi trong vùng biển Tây Nam, từ Hòn Nghệ, Hòn Tre, xuống Hòn Chuối, Hòn Khoai, vào vùng đảo Hải Tặc, ra vùng đảo Thổ Chu... để mang về những gì có thể bán được. Từ lặn tìm ngọc trai, dương đen, hải sâm, cá kiểng cho đến đồ cổ ông đều kinh qua. Ban đầu ông chỉ mưu sinh ở vùng biển quanh đảo Phú Quốc, dần dà những chuyến lặn cần đi xa nhà hơn. “Ma biển” hóm hỉnh rằng những chuyến viễn du của ông có thể kéo dài nhiều tháng. Hết lương thực, ông mua từ những con tàu tiếp viện trên biển. Đi cho đến khi nào cảm thấy nhớ vợ thì mới về.
“Trước đây, người ta lặn nát vùng này nhưng đâu ai để ý có tàu bè gì chìm đâu”, Hai Năng kể. Cho đến một hôm, cách nay đã nhiều năm, một ngư dân tên Sáu T. đi câu, tình cờ lưỡi câu móc phải một vật có màu nửa xanh nửa trắng “giống như trái lựu đạn”. Sáu T. đem vật lạ về đưa cho Tám C. coi. Nhìn biết đồ cổ, ông Tám C. gọi Hai Năng tới để tổ chức lặn thử. Chuyến lặn đầu tiên đã cho kết quả bất ngờ. Hai Năng nhớ lại, ông như không tin vào mắt mình khi trước mắt là một con tàu có hình dáng lạ lắm. Nó dài khoảng 40 - 50m, ngang trên dưới 10m. Thân tàu làm bằng gỗ dày, các chốt nối cũng bằng gỗ. Điều quan trọng là khi chui xuống khoang tàu, bên dưới lớp rong tảo, hào biển, ông đã sững sờ vì các khoang chất đầy vô số cổ vật. Số hàng phần nhiều là chén bát, bình lọ bằng sành sứ. Ngoài ra, còn nhiều vật như nghiên mực, ly tách và cả còng tay bằng kim loại. Trong chuyến lặn đầu tiên đó, Hai Năng còn mang lên cả ngà voi, nhưng đã bị hư hỏng.
Hình ảnh ngư dân đột nhiên lù lù chở đầy cổ vật đã làm chấn động cửa biển An Thới. Tọa độ của con tàu đắm vì thế cũng không còn là bí mật. Gần như ngay lập tức, nhiều ngư dân khác cũng không bỏ lỡ cơ hội quý báu này. Đợt “hôi của” dưới đáy biển diễn ra rầm rộ đến mức, theo Hai Năng, ngày cao điểm có đến hàng chục chiếc tàu đổ xô ra lấy đồ cổ. Vì “của sông của biển” nên mạnh ai nấy lấy. Cái gì ưng ý thì lấy, không ưng ý thì cứ vứt ngổn ngang. Nhiều cổ vật vì thế đã bị bể nát dưới bước chân của những người chưa hẳn biết nguồn gốc và giá trị của chúng.
Việc “khai thác” cổ vật của ngư dân An Thới diễn ra cho đến khi tin tức tới tai nhà chức trách. Lệnh cấm được ban ra. Nhiều cổ vật ngư dân trục vớt bị thu giữ. Những chuyến lặn ngày được chuyển sang lặn đêm. Riêng Hai Năng sau đó có tìm đến con tàu vài lần nữa, nhưng quanh quẩn cũng chỉ vớt được vài chục món.
Vào “bãi tha ma” cổ vật
Trở lại chuyến lặn tìm tàu đắm của chúng tôi. Quả thật, sự có mặt của “ma biển” Hai Năng làm những người trên tàu thêm phần yên tâm trong chuyến xuống biển tiếp theo.
Với phương pháp định vị khá đặc trưng là nhắm hướng mặt trời chiếu xuống các hòn đảo, dần dần ông “chiếm” luôn vị trí thuyền trưởng, với cách “chỉ huy” cũng khá đặc trưng, đại loại như “kêu thằng Tèo bám xéo xéo ra ngoài, hướng con tàu đen...”. Những người trên tàu quá biết “kinh nghiệm trận mạc” của ông nên cứ nghe theo răm rắp. Cho đến khi ông cho lệnh buông neo giữa vùng nước mênh mông, có người tuyên bố chắc nịch: “Tới vị trí tàu chìm rồi đó”. Nhìn mặt nước lăn tăn sóng, chúng tôi tỏ vẻ phấn khởi, nhưng “ma biển” lắc đầu “nước phía dưới “đạp” dữ lắm”. Để làm trót vai trò người dẫn đường, Hai Năng lãnh “ấn tiên phong” lặn xuống trước. Lúc này, ông lại cho chúng tôi một sự ngạc nhiên khác khi tỏ ra lúng túng với bình hơi, chân nhái. “Ma biển” thú thật rằng mấy chục năm kiếm cơm bằng nghề lặn biển, đây là lần đầu tiên ông phải đeo bình hơi. Trước khi xuống biển, con người lão luyện này phải học vỡ lòng phương pháp thở bằng bình khí. Tuy thế, bản năng “ma biển” lại trỗi dậy khi ông buông mình xuống vùng nước xanh. Cả tàu hồi hộp dõi theo từng đợt bọt khí tan ra theo những vị trí khác nhau. Cho đến khi những bọt khí dừng lại ở một điểm cách tàu khoảng 30m. Từ tín hiệu của “ma biển”, chúng tôi bắt đầu cho đợt xuống đáy.
Xuống sâu trên 10m nước, quả như lời Hai Năng, biển không còn yên như trên lớp nước mặt. Khi những người mới xuống vừa kịp giữ cho mình không trôi theo dòng nước dữ cũng là khi chúng tôi phát hiện dưới chân một bãi ngổn ngang các chén, đĩa, chai, lọ và vô số các vật dụng khác. Nhiều vật dụng lâu ngày đã bị kết thành khối nằm chồng lên nhau. Có thể thấy dấu tích bề bộn của những trận lục lạo do bàn tay con người.
Hai Năng nói so với những con tàu được khai quật dưới đáy biển, con tàu nằm phía đông nam Phú Quốc là chở hàng nhiều hơn cả. Trong số những hiện vật tìm thấy được tại nơi con tàu này, chủ yếu là gốm sứ Sawankhalok (thế kỷ 15) của Thái Lan với nhiều màu xanh ngọc, men tàu vàng, nâu, da lươn và màu chì...
Trong chuyến tiếp cận này, chúng tôi cũng gặp được ít nhiều cổ vật còn nguyên vẹn. Và chúng tôi đã dặn nhau, cứ để chúng ngủ yên cùng biển cả.
Tiến Trình
Bình luận (0)