Tôi đi tìm kho báu dưới đáy biển: Phận tàu, phận người

27/01/2011 08:16 GMT+7

Những ầm ĩ về kho báu tàu đắm dưới đáy biển một thời gian rồi cũng lắng xuống. Người ta ít nhắc tới số phận của những con tàu một thời từng thu hút những người săn lùng cổ vật.

Trong số họ, có người vĩnh viễn không về. Nhưng câu chuyện về kho báu không vì thế mà khép lại.

“Phung phí” cổ vật

Chiều chậm xuống trên thị trấn An Thới. Bước chân lên đất liền, những người trong nhóm chúng tôi trở nên ít sôi nổi hơn. Những con tàu khuất lấp và “bãi tha ma” cổ vật dưới đáy sâu dường như còn nguyên nỗi ám ảnh.

Trở lại câu chuyện của những thợ lặn từng lùng sục các kho báu tàu đắm dưới đáy biển. Có người nói rằng, những ngày ấy cổ vật họ lấy được từ biển “không thể đếm hết”, chỉ nhớ là những chuyến tàu trở về đầy ắp. Một thợ lặn kể rằng, họ không để ý đến giá trị của những món cổ vật mà mình có được. Gặp thì cứ lấy chất hết lên ghe đem về cho chủ. Chủ ghe đem đi bán rồi về cộng sổ ăn chia.

Sau những đợt phung phí ấy, nhiều thợ lặn còn lai vãng tới những con tàu đắm ở phía đông nam đảo Phú Quốc để “lấy mót” cổ vật. Hai Năng nhớ lần cuối cùng mình trở lại con tàu đắm ở hòn Dâm Trong: “Không hiểu sao trên khoang tàu có một cục đá to tướng nằm chắn ngang. Không ai dám vào. Tui liều mạng chui vào và lấy được ba mươi mấy cái đĩa”. Không chỉ có cánh thợ lặn tìm xuống đáy sâu. Đã có chuyện thương tâm xảy ra trong những ngày dân đảo đổ xô lặn tìm cổ vật. Thấy có tiền, nhiều người ngoài nghề cũng theo lặn. Thợ lặn Sáng kể: Người đó tên G., làm nghề mộc ở đất liền mới ra đảo. Đang lặn ngon lành nhưng rồi “tự nhiên”... chết”. Có người nói G. chết do không chịu được áp suất cao khi xuống sâu;  có người nói anh bị thắt ống dẫn khí nên bị chết ngạt; cũng có người cho rằng anh chui vào tàu rồi không biết đường ra. Đến khi mọi người phát hiện anh bất động ngay ở trên đống cổ vật ở hòn Dâm Ngoài, trên người còn đeo đai chì.

Sau khi lệnh cấm được ban hành, những người còn giữ nhiều cổ vật thời đó đã tìm cách tẩu tán, bán tháo bán đổ hoặc cất giấu. Một nhóm thợ lặn ở Hòn Thơm, Hòn Giỏi được chỉ huy bởi một người tên Tr. sau khi lặn được một ghe đầy cổ vật ở vùng biển Rạng Ông Đực, lựa lúc trời tối đã đem cất giấu trong một khu rừng ở hòn Dâm Trong. Đến khi quay lại thì số cổ vật khổng lồ đã “không cánh mà bay”. Mất hết cổ vật, người ta nói Tr. rơi vào trạng thái của “người mất hồn”. Từ đó, anh bỏ luôn nghề lặn biển.

Tới giờ, nhiều thợ lặn trong những chuyến mưu sinh của mình vẫn rong ruổi kiếm tìm kho báu. Mới đây, khi nghe tin có kho báu tàu đắm ở vùng biển gần quần đảo Hải Tặc, có thợ lặn ở Phú Quốc vội tìm tới. Nhưng những gì họ gặp được dưới lớp chôn vùi toàn là đồ bể.

Người ta không biết được hàng vạn món cổ vật đó đã đi về đâu, vào những tay ai, giúp cho người nào phất lên... Nhưng có một điều ai cũng thấy là những người chui vào lòng biển đem chúng lên phần nhiều vẫn sống đời lam lũ.

Thông điệp từ những con tàu đắm

Một thời gian dài, ở vùng biển Tây Nam mà đặc biệt khu vực gần đảo Phú Quốc, người ta đã phát hiện hàng loạt tàu cổ đắm. Qua nhiều đợt tiếp cận của những người thạo biển lẫn các nhà chuyên môn vẫn chưa đưa ra một giả thuyết có tính thuyết phục về chủ nhân, đường đi và nguyên nhân của những con tàu đắm. Nhiều chuyến lặn chỉ dừng lại ở mục đích cuối cùng là cổ vật. Cổ vật không còn thì những “nghiên cứu” cũng kết thúc.

Trong đợt tiếp cận các con tàu đắm trong vùng biển Kiên Giang, đáng chú ý nhất là đợt khảo sát diễn ra năm 2008. Cuộc khảo sát này ngoài sự giám sát của các ngành chức năng, các thợ lặn, còn có 8 chuyên gia khảo cổ học, kỹ thuật viên người nước ngoài với sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên dụng. Tuy không thu lại nhiều hiện vật như mong muốn bởi các nhà khảo cổ đã “đến sau ngư dân”, nhưng những tư liệu thu thập được qua đánh giá của các chuyên gia đã giúp thêm nhiều thông tin mới mẻ “chưa hề xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các công bố khoa học” vào thời điểm đó.

Theo tài liệu của đợt khai quật này, dấu tích còn lại của những con tàu chỉ là những tấm gỗ dài 70 - 80 cm, rộng 40 cm. Trước đó, có nhận định đó là dấu tích của bè chở gốm. Tuy cũng có những ý kiến khác, rằng những tấm gỗ tìm thấy thể hiện đây là phần ván đáy của con tàu buôn cổ. Với hàng loạt các di chỉ tàu đắm được phát hiện rải rác trong vùng đã củng cố thêm nhận định khi xưa vùng biển Tây Nam nước ta từng là một điểm quan trọng của “con đường gốm sứ trên biển”.

Cũng có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nguyên nhân dẫn đến những kết cục không may của những chuyến hải hành này. Nhiều nhận định cho rằng các con tàu này gặp nạn do gặp phải sóng to gió lớn. Tuy nhiên, không ít người lại cho rằng biển Tây là vùng biển kín, hiếm có sóng to gió lớn, khả năng tàu gặp nạn do thời tiết là ít. Trong hai giả thuyết còn lại là tàu bị hải tặc đánh chìm hoặc va phải đá ngầm thì nhiều nhận định nghiêng về khả năng thứ hai. Đặc biệt, trong báo cáo khai quật tàu đắm cổ Rạch Chàm, một trong những con tàu cổ nhất được tìm thấy trong vùng biển này (niên đại gần 1.000 năm trước)  thì “khả năng tàu bị đắm là do va phải đá ngầm khi ghé qua đảo để nghỉ”. Vì phần nhiều các con tàu đắm đều nằm gần một hòn đảo, nên các chuyên gia cho rằng, có thể “xưa kia, đảo Phú Quốc là một điểm dừng chân trên hành trình thiên lý vượt biển của các con tàu buôn?”.

Sau một thời gian dài ngủ vùi, những “kho báu tàu đắm” khi xưa giờ đây lại được đánh thức. Đánh hơi về những chuyện ly kỳ, pha chất bí ẩn của những con tàu cho tới nay vẫn là góc khuất của lịch sử, cánh làm du lịch bắt đầu nghĩ đến việc đưa khách tới đây.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.