Ở ngoại ô thị trấn Murghab, đông bắc Tajikistan, một kho hải quan mới đang được xây dựng. Khi được khai trương vào năm nay, cơ sở mới sẽ tiếp nhận các đoàn xe tải Trung Quốc, đẩy nhanh dòng chảy các loại quần áo, hàng điện tử và thiết bị gia dụng vốn đã tràn ngập Trung Á trong thời gian gần đây.
“Hợp nhất” kinh tế
Theo báo The New York Times, trong khi Trung Quốc thu hút sự chú ý ở Đông và Đông Nam Á bằng dấu ấn kinh tế ngày càng lớn mạnh và những động thái ngoại giao cứng rắn, nước này cũng đang âm thầm đánh dấu sự hiện diện ở phía tây, nơi từng là “sân sau” của Nga. Tờ báo dẫn lời trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Học viện Quốc phòng Trung Quốc, từng tuyên bố: “Trung Á là miếng bánh dày nhất mà trời ban cho Trung Quốc hiện đại”.
Năm nước Trung Á tuyên bố độc lập sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan (3 nước giáp biên giới Trung Quốc), Turkmenistan và Uzbekistan, một lần nữa trở thành “đấu trường” của các cường quốc. Lần này, các “đấu thủ” là Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Trung Quốc cũng đang khuếch trương sức mạnh quân sự trong khu vực. Tháng 9.2010, nước này tiến hành tập trận ở Kazakhstan với sự tham gia của nhiều nước Trung Á. Trong khi đó, theo thư tín mật do WikiLeaks tiết lộ, giới chức Mỹ nghi ngờ Trung Quốc đề nghị đưa cho Kyrgyzstan 3 tỉ USD để đóng cửa căn cứ không quân của Mỹ tại nước này.
The New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ nhận định: “Về nhiều phương diện, các nước Trung Á hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc và cả Mỹ. Nhưng có sự thiếu minh bạch trong việc đầu tư của Trung Quốc và quan hệ với những nước đó”. Người dân địa phương, đặc biệt là ở Kyrgyzstan và Kazakhstan, cũng lo ngại trước làn sóng di dân Trung Quốc đang ồ ạt đổ vào.
Tại Kazakhstan, một cuộc phản đối đã nổ ra tại thủ đô Almaty hồi tháng 1.2010 nhằm chống lại kế hoạch cho Trung Quốc thuê một triệu héc-ta đất để làm nông nghiệp, có ý kiến xem đó là “chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc”. Theo Tân Hoa xã, Đại sứ Trung Quốc tại Kazakhstan Trình Quốc Bình khi đó phải tổ chức một cuộc họp báo để bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời khẳng định quan hệ giữa Bắc Kinh và Almaty đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất. Kế hoạch này sau đó đã bị bãi bỏ, theo trang tin Stratfor.
Còn tại Kyrgyzstan, theo trang tin Neurope.eu, chính phủ hồi tháng 3.2010 bác bỏ những đồn đãi về chuyện bán lãnh thổ vùng Naryn cho Trung Quốc liên quan đến một dự án đường sắt. Thủ tướng Kyrgyzstan khi đó Daniyar Usenov khẳng định “sẽ không xem xét lại đường biên giới với Trung Quốc”. “Hào phóng” nhất trong số các nước Trung Á phải kể đến Tajikistan khi đầu năm nay quyết định cắt 1.000 km2 đất cho nước láng giềng với niềm tin giải quyết dứt điểm tranh chấp biên giới và mở đường cho các dự án hợp tác làm ăn.
An ngoại để trị nội
Trong bài viết đăng trên tạp chí Phoenix Weekly năm ngoái, tướng Lưu Á Châu viết: “Sự hợp tác về năng lượng của Trung Quốc với các nước Trung Á bắt đầu vào thập niên 1990 nhưng trong những năm gần đây, với sự gia tăng sức mạnh nhanh chóng của mình, Trung Quốc đã tận dụng việc thiếu sách lược trong khu vực của Mỹ và Nga đồng thời bắt đầu kích thích xu hướng tiêu dùng trong khu vực”.
Các nước tiếp giáp với Trung Quốc, đặc biệt là Kyrgyzstan, hiện đã trở thành điểm quá cảnh quan trọng cho hàng hóa nước này để đến khu vực biển Caspian, Nga và châu u. Thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á đạt tổng cộng 25,9 tỉ USD trong năm 2009, tăng từ mức 527 triệu USD vào năm 1992, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc. Trong khi đó, các đường ống mới đang chuyển tải dầu khí đến Tân Cương từ các cánh đồng ở Trung Á, nơi Bắc Kinh đã mua quyền khai thác.
Theo The New York Times, Trung Quốc cũng muốn tăng ảnh hưởng ở Trung Á để chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan từ khu vực này xâm nhập vào Tân Cương, nơi căng thẳng giữa người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và người Hán đã bùng nổ thành bạo động năm 2009.
Năm 1996, Trung Quốc cùng Nga và phần lớn các nước Trung Á thành lập tổ chức tiền thân của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Năm ngoái, Bắc Kinh đã chi 10 tỉ USD dưới hình thức các khoản vay cho các nước thành viên còn lại gặp khó khăn về kinh tế.
Giới chức cao cấp Trung Quốc và các chuyên gia phân tích nói những khoản viện trợ như thế, cùng với việc củng cố quan hệ thương mại, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Tân Cương và giảm thiểu bất ổn trong cộng đồng Duy Ngô Nhĩ.
Thủ phủ Tân Cương tràn ngập máy quay an ninh Theo Tân Hoa xã, chính quyền Tân Cương, Trung Quốc, trong năm nay sẽ lắp đặt thêm hàng chục ngàn camera an ninh, rải khắp thủ phủ Urumqi, nơi xảy ra những vụ bạo loạn sắc tộc dữ dội hồi năm 2009. Năm ngoái, khoảng 17.000 máy quay đã được triển khai tại các địa điểm công cộng ở Urumqi, đặt 3.400 xe buýt, 4.400 tuyến đường, 270 trường học và 100 trung tâm mua sắm vào tầm quan sát của nhà chức trách. Theo số liệu chính thức, 197 người chết và 1.700 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán hồi tháng 7.2009. |
Trùng Quang
Bình luận (0)