Uống sữa
Uống ít nhất 2 ly sữa không béo mỗi ngày (1 ly chứa 250 ml). Một cuộc khảo sát trên 3.000 người cho thấy, những ai thừa cân nhưng ăn nhiều các chế phẩm từ sữa giảm được 70% nguy cơ bị kháng insulin so với những người không uống sữa. Đó là nhờ lactose, protein, chất béo có trong các chế phẩm từ sữa giúp cải thiện lượng đường trong máu.
Bổ sung chất xơ
Mua bánh mì với một khẩu phần gồm ít nhất 3g chất xơ và 3g protein. Loại carbohydrate phức hợp này giúp làm chậm quá trình hấp thụ glucose cũng như giảm khả năng kháng insulin. Ngoài ra, bổ sung chất xơ và protein giúp bao tử no lâu hơn.
Rau xanh
Bạn nên ăn thêm cải bó xôi vào buổi tối. Cải bó xôi có hàm lượng ma-giê cao. Theo cuộc nghiên cứu mới đây, cải bó xôi có thể giúp ngừa phát bệnh tiểu đường típ 2. Một cuộc khảo sát ở phụ nữ cho thấy, hàm lượng cao ma-giê (còn có trong cá, quả bơ và rau xanh rậm lá) giảm 10-20% nguy cơ bị tiểu đường.
Ăn quế
Các nhà nghiên cứu tại Pakistan (nơi thường ăn nhiều quế) đã yêu cầu các tình nguyện viên bị tiểu đường típ 2 dùng 1g, 3g hoặc 6g quế hoặc giả dược trong 40 ngày. Kết quả là những ai dùng một lượng quế đáng kể, hàm lượng glucose trong máu giảm từ 18-29% tùy lượng quế họ dùng.
Giảm chất béo
Bạn nên giảm ăn lượng chất béo đã bão hòa. Vì theo các nhà khoa học Mỹ, vốn đã khảo sát ở 3.000 người, những ai có hàm lượng chất béo bão hòa cao nhất trong máu, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng gấp đôi.
Luôn vận động
Bạn chịu khó đi bộ khoảng 2 km mỗi ngày. Một cuộc khảo sát lớn tại Mỹ cho kết quả, đi bộ thường xuyên giúp giảm khoảng 30% nguy cơ tử vong vì bệnh tiểu đường. Nguyên do là đi bộ nhiều giúp tế bào trong cơ thể dễ tiếp nhận insulin, qua đó giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Đi bộ cũng giúp cải thiện hàm lượng cholesterol tốt HDL trong máu.
Nhất Linh
(Theo Stealth Health)
Bình luận (0)