Cũng giống như Hoài Thu, nhiều bạn trẻ tâm sự cho tới bây giờ mới thấy những lễ nghĩa mà mình được bố mẹ dạy mỗi dịp tết đến thật quý giá. Mai Anh (Đồng Nai) bồi hồi nhớ lại: “Có năm đêm giao thừa tôi đã giả vờ ngủ để khỏi phải nghe bố đọc thơ khai bút, khỏi phải hứa năm nay con sẽ đạt được thành tích học tập này, rèn luyện kia, khỏi phải chúc những lời chúc mà theo tôi nghĩ nó thật là hình thức. Giờ đây tôi đã nhận ra những bài học làm người mà bố mẹ gửi gắm trong những dịp tết đến”.
Bác Nguyễn Sơn Tùng, ba của Mai Anh cho rằng chính đêm giao thừa là dịp tốt nhất để nhắc nhở cho con cái biết giá trị truyền thống, điều hay lẽ phải. Sau khi cúng lễ, cha mẹ ôn lại một năm cả nhà đã làm được gì, con cái học hành ra sao, rồi định hướng năm tới sẽ cần phải cố gắng như thế nào. Sau đó sẽ là mừng tuổi, chúc tết. Những đứa trẻ được sống trong môi trường như vậy, lớn lên sẽ sống có trách nhiệm và có ý thức hơn trong việc tiếp nối, gìn giữ văn hóa, bản sắc của người Việt.
Bài học từ chiếc bánh chưng
Mai Nga, sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM, xúc động kể: “Nhà em ở quê nên không đặt bánh chưng mà năm nào cũng tự gói bánh. Mẹ đi chợ Phủ mua lá dong từ ngày 20 tết, khoảng 28 tết em mang lá dong ra giếng làng cọ rửa sạch sẽ. Mẹ ở nhà ngâm gạo nếp, nấu nhân đậu, thái thịt, ướp tiêu mắm xong xuôi để tối đến, cả nhà sẽ cùng ngồi gói bánh. Khi gói bánh xong, bố nhóm bếp củi để nấu. Ngọn lửa ấm tỏa ra từ nồi bánh chưng xua tan cái lạnh cắt da cắt thịt cuối năm. Thường thì đêm đó em không ngủ mà chỉ thích thức cùng mẹ canh nồi bánh”.
Mai Nga cho rằng qua việc gói bánh chưng, lau chùi bàn thờ, nâng niu từng món ăn cúng dâng trời đất và ông bà tổ tiên, bố mẹ đã gián tiếp dạy cho con cái rất nhiều điều như: phải biết kính trọng những người làm ra hạt gạo nếp thơm, quý trọng những giây phút gắn bó bên gia đình, coi trọng việc cúng lễ ông bà tiên tổ, trời đất, thần linh...
Mỹ Quyên
Bình luận (0)