Vào những ngày giáp Tết, tại các ngã ba, ngã tư ở nhiều tuyến đường nội ô, thậm chí những nơi tôn nghiêm như đền, chùa, nhà thờ đều tập trung rất đông người ăn xin.
Ô uế phố khách sạn
Đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1 - TPHCM nằm giữa hai hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát, gần khu trung tâm TP, nơi có rất nhiều khách sạn và những dịch vụ dành cho khách du lịch.
Tuy vậy, bộ mặt của tuyến đường này đã bị nhếch nhác bởi đội quân hành khất bao vây suốt ngày. Chỉ trên một đoạn đường ngắn chưa đầy 500 m, từ “mũi tàu” Lê Thị Riêng đến ngã ba Cách Mạng Tháng Tám, chúng tôi đếm được có tới 16 hành khất.
Phần lớn trong số đó là các bé mới lững chững biết đi và trẻ sơ sinh, chúng được chăn dắt công khai bởi những người đàn bà bặm trợn. Mỗi một người bồng, dắt theo từ 2 đến 5 đứa bé, tất cả đi chân đất và nhiều đứa ở truồng.
Cứ thấy khách ra, vào khách sạn, nhà hàng, tức thì chúng lao đến ngửa tay xin tiền, ai không cho, chúng bám theo níu áo khiến nhiều người tỏ ra bực bội. Khi những bàn tay bé xíu của trẻ con vừa nhận được tiền từ khách, những người chăn dắt lập tức giật lấy bỏ vào chiếc túi mang trước bụng.
Ông Bùi Ngọc Ẩn, bảo vệ Công ty TNHH Khải Thiên (55 Bùi Thị Xuân), cho biết lượng người ăn xin tập trung đông nhất vào buổi trưa, khi có nhiều xe chở du khách về. Bảo vệ các khách sạn rất vất vả làm hàng rào ngăn cho người ăn xin không quấy nhiễu khách.
Hầu hết các khách sạn ở khu vực này đều phải cử bảo vệ đứng ngoài lề đường để ngăn chặn người ăn xin. “Chúng tôi rất bức xúc, ngán ngẩm. Không chỉ làm phiền người khác, những người ăn xin còn phóng uế bừa bãi ở gốc cây, ghế đá...”- ông Ẩn nói.
Xin tiền để... đá gà độ
Thường thì mọi người vẫn hình dung đến cảnh đói rét, nghèo khổ khi nhìn thấy những người hành nghề ăn xin ở những nơi công cộng, thế nhưng thực tế có nhiều trường hợp hoàn toàn ngược lại. Vụ ba mẹ con vô gia cư ăn xin ở cầu Rạch Chiếc có hơn 100 triệu đồng trong người (Báo NLĐ ngày 21-1) không phải cá biệt.
Sau nhiều ngày theo chân nhưng không thể tiếp cận, phải đợi đến khi được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM, chúng tôi mới tiếp cận được Nguyễn Thanh Hải (26 tuổi, quê Bình Phước), người đã nhẵn mặt các trung tâm nhân đạo công lập ở TPHCM từ nhiều năm qua.
|
Ít ai có thể ngờ chàng trai bị dị tật đôi chân thường nằm xin tiền ở các ngã tư đường lại là một tay có máu mặt trong giới đá gà ở phường Tân Kiểng, quận 7 - TPHCM.
Không chỉ tham gia các trận đá gà ăn tiền, Hải còn là chủ của đàn gà “đấu thủ” 9 con để cho thuê. Mỗi một con gà lên “sới”, Hải thu được 100.000 đồng, bất kể thua hay thắng.
Tuy nhiên, đây chỉ là “đam mê” cờ bạc và thú tiêu khiển, thu nhập chính của Hải là ở ngoài đường trong vai người ăn xin. Hằng ngày, vào khoảng 19 giờ, sau khi nhốt gà cẩn thận và cơm nước xong, Hải thuê xe ôm đi từ khu phố 3, phường Tân Kiểng qua quận 1 hoặc quận 3, chọn một ngã tư đông người qua lại và có vạch dừng trước đèn tín hiệu giao thông, Hải ngả nón, mắt lim dim ngắm phố và cứ thế người qua lại thả tiền vào.
Đưa người ăn xin vào các trung tâm xã hội Ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết UBND TP đã chỉ đạo các quận, huyện triển khai đợt cao điểm trước và sau Tết đưa những người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Hiện Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo các trung tâm bảo trợ chuẩn bị cơ sở vật chất và cán bộ phục vụ để chăm sóc người ăn xin được đưa về, trong đó Trung tâm Hỗ trợ xã hội sẽ cử cán bộ trực 24/24 giờ với số điện thoại đường dây nóng 08.35533258, sẵn sàng tiếp nhận các đối tượng này. |
Thuê người đi... ăn xin
Tiếp xúc với gần chục “cái bang” vừa mới được đưa về lưu trú tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM, tất cả đều có chung mong muốn là được rời khỏi cơ sở bảo trợ. Những người “bần cùng” tỏ rõ không thích được Nhà nước bao ăn, ở, chăm sóc sức khỏe miễn phí mà lại thích đi ăn xin do thu nhập... cao.
Mới đây, khi đưa đối tượng ăn xin Nguyễn Văn Ca về, 4 cán bộ của Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM phải phụ giúp đếm tiền. Một ngày, trung bình người đàn ông 63 tuổi này chỉ cần ngồi ở lề đường là có được khoảng 1 triệu đồng.
Trong giới ăn xin không phải tất cả là người tàn tật, mất khả năng lao động kiếm sống mà có nhiều người do lười lao động tự đi ăn xin hoặc tổ chức chăn dắt. Một cán bộ của Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM cho biết có nhiều người hoàn toàn khỏe mạnh, sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng/tháng để thuê những người già ốm yếu, tàn tật để đưa ra đường làm phương tiện xin tiền.
Cụ thể là trường hợp của Cầm Bá Mù (29 tuổi, ngụ xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), với hai mắt bị mù, được một người ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa thuê đưa vào TPHCM ăn xin với giá khá cao. Mặc dù không thừa nhận với chúng tôi nhưng những người ở cùng phòng với Mù đều cho biết qua tâm sự với nhau, Mù kể được thuê với giá 20 triệu đồng/tháng.
Một người ăn xin chuyên nghiệp khác là bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1947). Bà này có “độc chiêu” tìm thuê những bệnh nhân nghèo trong các bệnh viện với giá 300.000 đồng/ngày, sau đó đưa ra đường rên rỉ, van la để xin tiền...
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)