Độc đáo cây bưởi Diễn cho trái cam Canh

29/01/2011 23:03 GMT+7

(TNO) Bưởi Diễn, cam Canh là thứ đặc sản nổi tiếng của đất Hà Thành. Thời gian gần đây, người dân trồng 2 loại cây này lại tạo ra một loại cây còn có phần độc đáo hơn 2 thứ đặc sản của họ. Bằng cách kết hợp 2 trong một, họ đã tạo ra một loại cây cảnh lạ góp phần đậm đà thêm hương vị ngày Tết. Đó là cây bưởi Diễn cho trái cam Canh.

Năm hết tết đến, dù bận rộn nhưng nhiều người vẫn tranh thủ ghé qua chợ hoa trên đường Hồ Tùng Mậu (H.Từ Liêm, Hà Nội) để được tận mắt nhìn quả cam Canh mọc trên thân cây bưởi.

Có người không tin vào mắt mình liền lay thử quả cam xem phải buộc dây hay dính keo không nhưng lại chưng hửng vì đó là thật.

Theo quan sát của chúng tôi, cây bưởi được đặt trong một chiếc chậu lớn, có hơn chục quả. Treo lủng lẳng trên cành bưởi, cạnh những quả bưởi to, da vàng và nổi bật trên nền xanh của những chiếc lá bưởi xanh mượt là hai quả cam Canh đã chín đỏ.


Cây bưởi Diễn cho 2 loại quả là bưởi Diễn và cam Canh ở chợ hoa trên đường Hồ Tùng Mậu (đối diện nghĩa trang Mai Dịch)

Đây chính là điều khiến cây bưởi trở nên độc đáo. Chủ nhân của cây bưởi này là anh Lê Văn Trung, người làng Phú Diễn (H.Từ Liêm) - quê gốc của loại đặc sản bưởi Diễn nổi tiếng thơm ngọt. Theo anh nông dân này thì đây không phải do tự nhiên mà có.

Đó là cả một câu chuyện dài về sự khéo léo của người nông dân trồng bưởi làng Phú Diễn.

Theo anh Trung, việc ghép được quả cam Canh vào cây bưởi mà vẫn đảm bảo quả cam phát triển bình thường đã không còn là chuyện lạ ở làng anh.

Trong làng và các làng lân cận cũng có nhiều người biết ghép cam vào bưởi. “Nhưng không phải ai và năm nào cũng làm được việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” này. Vì tỉ lệ quả ghép đậu được là rất ít, cao nhất chỉ là 4/10”, anh Trung cho hay.


Thoạt nhìn, nhiều người lầm tưởng quả cam Canh được buộc dây hay dùng keo dính lên cành cây bưởi Diễn

Theo anh, để có được 2 loại quả là bưởi Diễn và cam Canh trên cùng thân cây bưởi Diễn thì phải tiến hành ghép từ tháng 9 âm lịch, khi quả cam Canh lớn bằng đầu ngón tay út thì cắt ghép vào cành bưởi. Thành công hay không lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

“Nếu trời ấm thì tỉ lệ đậu cao, còn lạnh thì đậu ít lắm, có khi hỏng ăn”, anh Trung nói.

Ngoài ra, kỹ thuật chăm sóc cây và mắt ghép cũng rất phức tạp, cẩn thận. Mối ghép phải bọc ni-lon kín để giữ vệ sinh và tránh côn trùng. Cây bưởi được chọn ghép cũng được chăm bón cẩn thận bằng nước cốt cá ngâm, lân Đức, hạt đậu tương ngâm xay nhuyễn, hòa với nước rồi tưới cho cây.


Anh Lê Văn Trung - chủ nhân của cây bưởi mọc trái cam đang giới thiệu tác phẩm của mình

“Ấy vậy mà cũng còn khó được ăn lắm”, anh Trung chậc lưỡi, bảo.

Ghép quả cam Canh vào thân bưởi Diễn theo kiểu “gửi con” rủi ro cao nên không phải ai cũng dám làm, và ai làm cũng thành công.

“Cả làng chỉ một vài người dám ghép. Riêng tôi, 5 năm rồi, năm nào cũng ghép và bán tại nhà. Năm nay ghép 15 cây, ghép chung cả quả phật thủ, nhưng trời rét quá, chỉ được 3 cây, mỗi cây đậu được 2 quả cam Canh. Còn phật thủ thì rụng hết. Mang ra đây được 2 hôm thì bán được 2 cây, mỗi cây 3,5 triệu”, anh Trung thật thà cho biết.

Cũng theo anh này, thì có người trong làng còn cho ra được loại một cây bưởi Diễn nhưng cho 3 loại quả là bưởi Diễn, phật thủ và cam Canh.

Bài ảnh: Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.