Việc thanh tra chú trọng các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh các loại thực phẩm có nguy cơ cao, đặc biệt là các sản phẩm thịt, rượu bia, bánh kẹo, nước giải khát.
Các đoàn đã phát hiện 8.973 cơ sở có vi phạm quy định về VSATTP (20,07%). Đáng lưu ý, trong số các vi phạm bị phát hiện, các đoàn liên ngành của T.Ư phát hiện tỷ lệ vi phạm cao hơn nhiều (50% số cơ sở được kiểm tra) so với các đoàn của địa phương (20%).
Các vi phạm chủ yếu là: chưa có giấy chứng nhận ATVSTP (30-40%); ghi nhãn (40-50%), cơ sở vi phạm ATVSTP (40-55%). Sáu cơ sở vi phạm nghiêm trọng đã được các đoàn chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Theo ông Nguyên Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP, 100% số cơ sở vi phạm đã được xử lý kịp thời từ hình thức nhắc nhở đến cảnh cáo hoặc phạt tiền, đình chỉ hoạt động.
Tuy nhiên, đa số vẫn là nhắc nhở (78,08%), số này tập trung chủ yếu vào các đoàn kiểm tra tuyến xã phường, cá biệt có một số tỉnh, thành phố cũng chỉ sử dụng hình thức cảnh cáo/nhắc nhở để xử lý cơ sở vi phạm.
Trong số 2.558 mẫu được xét nghiệm tại Labo và test nhanh, có 20% mẫu không đạt tiêu chuẩn. Các vi phạm về chất lượng tập trung ở việc sử dụng phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép; dụng cụ chứa thực phẩm không đảm bảo độ sạch về tinh bột, dầu mỡ; một số mẫu rượu có hàm lượng Aldehyt, Fucfurol cao hơn mức cho phép; thực phẩm ô nhiễm vi sinh.
Tổng số tiền phạt là 781.200.000 đồng, cao hơn Tết Canh Dần 2010. Có tới 663 cơ sở có sản phẩm bị tiêu hủy, tương đương hàng trăm triệu đồng.
Liên Châu
Bình luận (0)