Hội tụ chất xám Việt toàn thế giới

04/02/2011 06:57 GMT+7

(TN Xuân Tân Mão) Có một câu chuyện liên quan đến việc trở về quê hương Việt Nam cống hiến của hơn 400 nhà khoa học trên thế giới.

Trong năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thành lập Trung tâm xuất sắc John Von Neumann. Người đứng ra lãnh trọng trách ấy là GS-TS Dương Nguyên Vũ (sinh năm 1957), hiện là cố vấn khoa học cao cấp của Cơ quan điều khiển an toàn bay châu u (European Organization for the Safety of Air Navigation - Euro Control).

Đường về nhà

Đầu thập niên 1980, Dương Nguyên Vũ được nhận vào học đồng thời tại trường Kiến trúc thuộc Học viện Quốc gia Mỹ thuật (Ecole Nationale des Beaux-Arts) và trường Quốc gia Cầu cống (Ecole Nationale des Ponts et Chaussees) thuộc Viện Công nghệ Paris (Paris Institute of Technology) sau khi tốt nghiệp phổ thông tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM).

John Von Neumann (1903 -1957) là một nhà toán học người Mỹ gốc Hungary và là một nhà bác học thông thạo nhiều lĩnh vực đã đóng góp vào vật lý lượng tử, giải tích hàm, lý thuyết tập hợp, kinh tế, khoa học máy tính, giải tích số, động lực học chất lưu, thống kê và nhiều lĩnh vực toán học khác.

Đáng chú ý nhất, Von Neumann là nhà tiên phong của máy tính kỹ thuật số hiện đại và áp dụng của lý thuyết toán tử (operator theory) vào cơ học lượng tử, người sáng lập ra lý thuyết trò chơi. Cùng với Edward Teller và Stanislaw Ulam, Von Neumann khám phá ra những bước quan trọng trong vật lý hạt nhân liên quan đến phản ứng nhiệt hạch (thermonuclear) và bom hydrogen.

Năm 1990, Vũ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đề tài liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Đến năm 1997, anh quyết định trở về Việt Nam, dành trung bình một quý mỗi năm để giảng dạy và phát triển khoa học trong nước. Đó là khoảng thời gian mà Dương Nguyên Vũ liên tục được đề bạt trong công việc và trở thành lãnh đạo Phòng nghiên cứu đổi mới (Innovative Research) của Eurocontrol (Trung tâm Nghiên cứu không lưu châu u), chịu trách nhiệm trên toàn vùng châu u. Sự trở về lúc này với anh chỉ mới bắt đầu như một tâm niệm cá nhân: được phục vụ cho đất nước sau khi thành tài.

Nhưng khi có điều kiện cộng tác với nhiều nhà khoa học, nhất là trí thức Việt kiều, anh nảy sinh ý định lôi kéo họ đóng góp cho Tổ quốc. Hành trình này được anh hiện thực hóa từ năm 2003. Vũ và các đồng nghiệp, học trò của mình đã tham gia tổ chức RIVF - Hội nghị quốc tế về công nghệ thông tin và truyền thông diễn ra hằng năm tại các trường đại học lớn ở Việt Nam. Đầu tháng 3.2007 tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Hội nghị RIVF đã quy tụ 77 nhà khoa học uy tín trên thế giới tham gia. Đây cũng là dịp diễn ra các buổi giảng chuyên đề do các giáo sư quốc tế đứng lớp và hội nghị dành cho nghiên cứu sinh Việt Nam. Anh kỳ vọng khi mô hình RIVF được nhân rộng, các nhà khoa học của Việt Nam sẽ được giảm bớt gánh nặng tài chính bởi họ không phải lo lắng về khoản chi phí đi nước ngoài để tham dự những hội nghị quốc tế.


GS Dương Nguyên Vũ trong ngày ra mắt Trung tâm John Von Neumann - Ảnh: Đăng Nguyên  

Theo Dương Nguyên Vũ, qua nhiều kinh nghiệm, trao đổi, anh rút ra rằng để thực hiện được ý định thu hút các nhà khoa học về đóng góp cho đất nước nhiều hơn thì phải giải quyết được nhiều bài toán. Đó là tạo môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ cấp thiết, xây dựng các chương trình đào tạo sau ĐH theo phương pháp tiên tiến và chuẩn mực thế giới... Và anh cùng GS Hồ Tú Bảo - Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản, GS Cao Hoàng Trụ - trường ĐH Bách khoa TP.HCM đứng ra khởi xướng và thành lập Trung tâm xuất sắc John Von Neumann để thực hiện những sứ mệnh ấy.

Chương trình đào tạo đầu tiên của Trung tâm John Von Neumann sẽ là 2 chương trình thạc sĩ văn bằng đôi về cao học quốc tế Công nghệ thông tin và Tính toán định lượng tài chính (QCF). Sinh viên sẽ được cấp song song hai bằng thạc sĩ, một của một trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM và một của Viện Công nghệ Paris.

Mái nhà của khoa học

Anh Vũ kể: “Chuyện đáng nhớ nhất là một cuộc khảo sát với gần 500 sinh viên, nghiên cứu sinh và nhà khoa học đang học tập cũng như sinh sống tại khắp nơi trên thế giới về việc “về hay ở” và các điều kiện để “về”. Kết luận bất ngờ là có đến 83% người được hỏi trả lời là sẽ về nước đóng góp chất xám khi có môi trường làm việc tốt chứ không phải là chuyện thu nhập như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ. Kết quả của cuộc khảo sát này càng làm chúng tôi trăn trở hơn về việc làm sao có được cơ chế và thu nhập để trả được một mức lương, tuy không cao, nhưng phải tương đối đủ để các nhà khoa học trẻ có thể yên tâm làm khoa học. Làm sao tạo ra được một môi trường nghiên cứu khoa học so sánh được với các nước tiên tiến trong điều kiện khó khăn của ta”.

Dương Nguyên Vũ đã thuyết phục được PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho phép Trung tâm xuất sắc John Von Neumann hoạt động theo một cơ chế mở, hoàn toàn độc lập. Trước mắt, đây sẽ là nơi đào tạo Cao học quốc tế chất lượng cao. Dương Nguyên Vũ đặt ra một mục tiêu cho trung tâm này là đến năm 2030 sẽ là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của thế giới.

Anh bảo mình không hề nói khoác mà tự tin có những điều kiện để làm được điều này. Hiện tại có khoảng 400 nhà khoa học Việt Nam trên khắp thế giới có thể cộng tác với trung tâm. Có thể từ đầu, họ sẽ chỉ cộng tác một ít thời gian. Nhưng dần dần, khi nhận ra được môi trường làm việc chuyên nghiệp và không thua gì nhiều trung tâm khác trên thế giới, tự công việc sẽ thuyết phục họ gắn bó với John Von Neumann nhiều thời gian và công sức hơn. Đó sẽ là nơi chất xám Việt từ khắp thế giới đổ về.

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.