Sương đêm còn chưa tan. Nhưng bên trong căn cứ của C35 thuộc Đoàn Không quân B70, chúng tôi đã bắt gặp không khí khẩn trương của một ngày mới.
“C35 là quả đấm thép của Không quân Nhân dân Việt Nam. Cán bộ chiến sĩ ở đây luôn ý thức và tự hào về điều đó nên đều có tinh thần trách nhiệm rất cao. Trong các đợt diễn tập, chúng tôi luôn đạt 100% khá giỏi, trong đó trên 50% đạt xuất sắc”, C trưởng - thượng tá Bùi Tiến Đức, cũng là một phi công kỳ cựu từng kinh qua nhiều loại máy bay phản lực khác nhau và giờ là “tay lái lụa” của thế hệ tiêm kích đa năng Su-30, tiếp chúng tôi bằng cái bắt tay rất chặt với lời giới thiệu mộc mạc đầy chất lính. Trong các đợt huấn luyện bắn đạn thật, các chiến sĩ phi công luôn đảm bảo tiêu diệt mục tiêu ngay phát tên lửa đầu tiên.
Cảm giác với một chiếc Sukhoi hiện đại thật tuyệt, khác hẳn khi ngồi trong buồng lái Mig-21
|
|
f | Đại úy phi công Tuấn Anh |
Thượng tá Ngô Vĩnh Phúc, người đã có 24 năm tung hoành trên đôi cánh của Mig-21, Su-22 và giờ là Su-27/30, đưa chúng tôi ra sân bay để xem buổi huấn luyện. Khi ánh nắng ban mai vừa kịp lan tỏa trên căn cứ không quân mênh mông cũng là lúc những chiếc Sukhoi hiện đại hùng dũng tiến tới đường băng, rồi lần lượt bốc lên giữa bầu trời xanh mây trắng. Tiếng gầm rú của động cơ vang dội cả một vùng. Buổi sáng hôm ấy, các phi công thao luyện trong chừng một tiếng đồng hồ, với các màn phối hợp tác chiến, trong đó có mục bổ nhào ném bom giả định. Giữa “đỉnh” sân bay, từng chiếc Su-30 từ xa nhào xuống và trong chốc lát vụt trở lên theo một đồ thị parabol hoàn hảo.
Đại úy Hồ Tuấn Anh, đến từ Đoàn Không quân B72 không giấu được sự hứng khởi trong lần thứ ba ngồi trên đôi cánh của Su-27/30. Lần đầu tiên Tuấn Anh được bay trên bầu trời là vào năm 22 tuổi, với chiếc Yak-52. Giờ đây, sau 8 năm kinh nghiệm bay Mig-21, chàng phi công mới ngoài 30 tuổi với gần 500 giờ bay cùng các đồng đội vào C35 để tập luyện chuyển loại máy bay, từ chiếc Mig-21 kinh điển với bao chiến công hiển hách trong chiến tranh sang dòng máy bay tối tân Su-27/30. Chương trình này nằm trong nỗ lực hiện đại hóa mạnh mẽ của Không quân Nhân dân Việt Nam. “Cảm giác với một chiếc Sukhoi hiện đại thật tuyệt, khác hẳn khi ngồi trong buồng lái Mig-21. Nhưng dù là Sukhoi tân tiến hay Mig kinh điển thì tình yêu bầu trời, tinh thần trách nhiệm của tôi đều như nhau”, đại úy Tuấn Anh tâm sự.
Với đội ngũ phi công được đào tạo bài bản, có tính sẵn sàng cao, Không quân Nhân dân Việt Nam trong tương lai rất gần sẽ chứng kiến một cuộc hiện đại hóa mạnh mẽ.
Niềm mơ ước của phi công Việt Nam
Bên tô cháo thịt bằm nóng hổi sau chuyến bay, thượng tá Ngô Vĩnh Phúc tranh thủ dặn dò phi công trẻ Tuấn Anh với cả kinh nghiệm của một người đã hơn hai thập niên bay. Bên cạnh sự nghiêm túc trong công việc, người phi công lão luyện vẫn giữ được nét hóm hỉnh: “Bay Su-27/30 là niềm mơ ước của mọi chiến sĩ phi công Việt Nam. Hồi trước làm việc với các chuyên gia Nga, tôi nghe họ đùa thế này: lâu nay với Mig-21 là các anh mới đi xe đạp, còn giờ đây với Su-27/30 thì các anh mới thực sự lái máy bay”.
Tại phòng trực chiến của C35, thượng tá - Chủ nhiệm bay Nguyễn Văn Thuần giới thiệu: “Chúng tôi túc trực 24/24, với nhiều ca, tinh thần sẵn sàng chiến đấu luôn ở mức cao nhất”. Anh cho biết, mỗi khi có hiệu lệnh báo động, chỉ sau vài phút là máy bay với trang bị vũ khí đã vù lên khỏi mặt đất, sẵn sàng khai hỏa tiêu diệt mục tiêu là kẻ địch.
Tại đơn vị trực chiến, những chiếc Su-30 với tên lửa đối không, đối đất được gắn sẵn, với nhiên liệu luôn nạp đủ, thượng tá Thuần - người đã có 1.600 giờ bay - cho biết: “Từ sáng sớm, mọi người đã dậy, nhận bàn giao và rà soát lại toàn bộ hệ thống vũ khí, liên lạc, nhiên liệu, điều khiển để có thể xuất kích bất cứ lúc nào”. Ở cấp báo động cao nhất, chẳng hạn khi có máy bay chở lãnh đạo trong và ngoài nước đi qua khu vực, các phi công luôn ngồi sẵn trong buồng lái để có thể cất cánh trong thời gian sớm nhất nhằm triển khai phương án bảo vệ. Còn với cấp độ báo động nhẹ hơn thì phi công có thể ngồi trong phòng trực chiến, nhưng sự sẵn sàng vẫn giữ ở mức cao nhất để lập tức bay lên bầu trời.
Thượng tá Thuần say sưa nói về cảm xúc của mình trong những giờ bay huấn luyện, khi từ trên cao nhìn xuống là dải đất Tổ quốc xanh mướt hay những cánh sóng bạc đầu của biển Đông lộng gió. Anh kể mỗi lần chao liệng trên bầu trời Trường Sa, ngắm những hòn đảo nhỏ bé chơi vơi giữa muôn trùng sóng nước, trong anh luôn trào dâng niềm xúc động mãnh liệt về vùng lãnh thổ tiền tiêu của Tổ quốc, và lòng càng vững tin hơn khi biết rằng ở dưới kia, những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển đảo quê hương.
Chúng tôi chia tay căn cứ không quân và những người phi công đầy nhiệt huyết khi trời đã về chiều. Trên những tầng mây, từng tốp Su-27/30 vẫn không ngừng chao liệng, oai hùng và dũng mãnh như hình ảnh ngàn đời của đoàn quân đất Việt.
Thượng tá Nguyễn Văn Thuần kiểm tra vũ khí trước giờ trực chiến Trước giờ huấn luyện bay ở đoàn C35 -ảnh: Đào Ngọc Thạch
Các phi công đoàn C35 sau giờ huấn luyện |
Đỗ Hùng - Tấn Tú
Bình luận (0)