“Đại gia” 8X

05/02/2011 10:50 GMT+7

Tuy chưa quá tuổi 30 nhưng họ đã sớm thành đạt, tạo lập được cơ ngơi, sự nghiệp bằng chính tài năng và sức lao động của mình.

“Trùm” chứng khoán trẻ nhất Việt Nam

Khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect vào tháng 10-2010, Nguyễn Hoàng Giang chỉ mới bước sang tuổi 24, trở thành tổng giám đốc một công ty chứng khoán trẻ nhất Việt Nam. 

Chàng trai quê gốc Hải Dương này kể rằng khi nhận quyết định bổ nhiệm vào cương vị tổng giám đốc từ chủ tịch HĐQT VNDirect, anh quá bất ngờ nên rất âu lo. “Tôi cứ nghĩ mình nghe nhầm. Thú thật, khi nhận quyết định, tôi cũng hơi hoang mang” - Giang nhớ lại.
 
Nhiều người trong VNDirect cũng ngỡ ngàng không kém. Họ không nén được sự lo lắng: Liệu ở độ tuổi ấy, Giang có thể đảm đương nổi khối lượng công việc nặng nề, đầy thách thức và áp lực trên cương vị lãnh đạo một doanh nghiệp đầy tham vọng trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán tại Việt Nam?
 
Thế nhưng, Nguyễn Hoàng Giang đã nhanh chóng bình tâm. Được sự động viên của HĐQT công ty, Giang chấp nhận thử thách bởi anh tin ở mình. Nhận điều hành một doanh nghiệp với 300 nhân viên đang trên đà phát triển và hoàn thiện mô hình tổ chức là một quyết định táo bạo. Song, chỉ riêng tính cách quyết đoán, dám chấp nhận thử thách thôi cũng đủ để Giang nhận được sự khích lệ từ HĐQT và các nhân viên.
 
Chúng tôi gặp lại Giang khi chàng trai sinh năm 1986 này đã đảm nhận cương vị tổng giám đốc VNDirect được 2 tháng. Đó là 2 tháng đầy cam go với Giang trên cương vị lèo lái hoạt động một công ty đang phát triển nhiều mảng kinh doanh. Nhưng với những gì đã làm được, anh đã có thể gạt những thách thức, áp lực sang một bên để bắt tay vào quá trình xây dựng định hướng phát triển và hoàn thiện mô hình tổ chức của công ty.
 
Hai năm trước, khi mới chân ướt chân ráo về nước với tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật máy tính Đại học Nebraska - Mỹ, Giang chưa có chút vốn liếng kiến thức hay kinh nghiệm nào ở lĩnh vực tài chính - chứng khoán. “Khi du học, tôi học nhiều thứ về phần cứng, phần mềm máy tính, chẳng liên quan gì đến chứng khoán hay cổ phiếu cả”- Giang bộc bạch.
 
Chính vì thế, khi vừa về Việt Nam, Giang phải học lại từ đầu để biết đọc bảng giá chứng khoán, biết thế nào là cổ phiếu... Có được chứng chỉ ngành chứng khoán, anh tự tin làm việc trong một môi trường hoàn toàn mới mẻ, không dính dáng gì đến chuyên ngành được đào tạo của mình.
 
Vào VNDirect làm chuyên viên phòng giải pháp nghiệp vụ, Giang nhanh chóng được bổ nhiệm lên vị trí trưởng phòng rồi sau đó phụ trách bộ phận quản lý rủi ro - mảng đầy thách thức với một người trẻ.
 
Về nước tháng 5-2008 nhưng chỉ đến tháng 10-2010, Nguyễn Hoàng Giang đã trở thành tổng giám đốc một doanh nghiệp đứng trong top 10 công ty có thị phần lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

“Khi mới về nước, tôi chỉ nghĩ mình sẽ làm một năm để tích lũy kinh nghiệm rồi trở lại Mỹ lấy bằng cao học nhưng rồi công việc cứ cuốn đi. Tôi còn thiếu nhiều kiến thức, nhất là về quản lý, nên vẫn phải học hỏi nhiều” - anh thổ lộ.

Đi bằng đôi chân mình
 
Con đường chinh phục thương trường của chàng trai đất mỏ Trần Hoài Nam bắt đầu ngay khi anh tốt nghiệp Đại học Cardiff University Wales – Anh Quốc vào năm 2007. Về làm việc cho Tổng Công ty Kinh tế hỗ trợ phát triển tài năng trẻ Việt Nam (DAVYT), chẳng bao lâu, Nam đã được HĐQT giao chiếc ghế phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất kinh doanh kiêm giám đốc Công ty Văn phòng phẩm - Bao bì Hải Phòng (HPSP) và điều hành 2 công ty khác.
 
HPSP có dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất Đông Nam Á và là doanh nghiệp xuất khẩu tập vở đi Mỹ lớn nhất khu vực với doanh số 23 triệu USD/năm, đạt lợi nhuận 20 tỉ đồng. “DAVYT kinh doanh nhiều lĩnh vực nhưng tôi đã chọn và muốn dồn sức cho sản xuất giấy” - Nam thổ lộ.
 
Vận hành từ năm 2008, hiện 100% sản phẩm của HPSP sản xuất theo đơn đặt hàng của các tập đoàn siêu thị bán lẻ hàng đầu của Mỹ. Năm 2010, các nhà máy giấy do Nam quản lý đã xuất đi Mỹ 50 triệu cuốn vở. 

 

Nam cho biết vào vụ sản xuất, không đêm nào anh ngủ quá 4 giờ: “Sản xuất phải thông suốt 3 ca mà người quản lý thì không được phép lơ là”. Nhiều loại sản phẩm của Việt Nam nói chung và tập vở nói riêng không dễ gì được người tiêu dùng Mỹ chấp nhận. Bởi thế, trước khi xuất được tập vở sang thị trường này, sản phẩm của các nhà máy giấy do Nam quản lý đã phải trải qua hàng loạt đợt kiểm tra, xét nghiệm nghiêm ngặt. 
 
Trong quá trình điều hành, quản lý việc sản xuất tập vở cung cấp cho các tập đoàn siêu thị Mỹ để bán đi khắp thế giới, doanh nhân 26 tuổi này đã học được rất nhiều điều từ sự khó tính của “thượng đế” xứ người.
 
“Khi hàng vào Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể đứng và đi trên đôi chân mình chứ không thể trông chờ vào “quan hệ” hay “tay trong” gì cả. Thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào nỗ lực của chính mình”- Nam bộc bạch.
 
Nam tiết lộ tập vở cung cấp cho thị trường Mỹ cũng cạnh tranh khốc liệt không hề thua kém các sản phẩm khác. Hằng năm, các nhà thiết kế tập vở Mỹ sẽ đưa ra những xu hướng sản phẩm mới và DAVYT cũng như các đối tác phải hiểu rõ điều này để chạy đua tung ra những mẫu mã có sức hút nhất. 
 
Điều Nam tâm đắc là sản xuất giấy tuy đem lại lợi nhuận không cao bằng những lĩnh vực khác nhưng lại bền vững và đóng góp nhiều cho xã hội. “Hằng năm, 3 nhà máy do tôi quản lý giải quyết việc làm cho trên 2.300 lao động với mức lương trên dưới 3 triệu đồng/tháng và sẽ phấn đấu tăng từng năm. Cùng với đó là hàng loạt công tác xã hội, hỗ trợ cộng đồng” - Nam chia sẻ.
 
Tâm sự về khát vọng của mình, Nam  quả quyết một ngày không xa, doanh nghiệp của anh sẽ tạo ra sản phẩm tập vở thương hiệu Việt trên đất Mỹ mà không phải làm gia công, dán nhãn cho các nhà nhập khẩu.

Chàng giám đốc “may mắn”
 
Rất hay cười và luôn nói “mình là người may mắn”, chàng giám đốc sinh năm 1981 Trần Đình Chương đã gây ấn tượng với nhiều người bằng chính sự khiêm tốn của anh.
 
Tôi hẹn gặp Chương vào một ngày cuối tuần tại Công ty CP Mặt Trời  - TPHCM nhưng đến nơi lại thấy anh đang tất bật với cả núi công việc: Tiếp khách hàng, lập dự án mới, sinh hoạt nhóm với anh em trong công ty nhân dịp Giáng sinh...
 
Chương nhớ lại: “Do đam mê công việc kinh doanh nên tốt nghiệp THPT, tôi quyết định thi vào Trường ĐH Kinh tế. Trong quá trình học, tôi làm đủ mọi việc, từ tiếp thị, phát tờ rơi đến tư vấn bảo hiểm... nhằm trang bị thật nhiều kinh nghiệm để vào đời”.

 

Ra trường, Chương cùng một số bạn thân ôm ấp ý tưởng lập công ty chuyên cung cấp các giải pháp chăm sóc khách hàng. Giữa năm 2006, Công ty CP Mặt Trời ra đời do Chương trực tiếp làm giám đốc điều hành.
 
“Ban đầu, công ty chỉ có 2 người, tôi phải ôm hết mọi việc để giải quyết. Đến nay, công ty có đến 400 nhân viên, là đối tác của một công ty viễn thông lớn nhất nhì TPHCM với doanh thu tăng cao mỗi năm” – Chương khoe.
 
Không nói nhiều về những khó khăn ban đầu khi thành lập công ty, Chương chỉ nhấn mạnh: “Mình là người may mắn. Nghề của mình giống như làm dâu trăm họ, phải biết khách hàng cần gì và luôn luôn học hỏi để thay đổi, đáp ứng nhu cầu đa dạng của họ”.
 
Không chỉ năng động, sáng tạo trong công việc, Chương còn được nhiều người biết đến khi năm 2010, anh tình nguyện hỗ trợ chỗ ở cho 300 sĩ tử đến TPHCM thi ĐH, CĐ tại tòa nhà 6 tầng của công ty mình. “Đời đã cho mình quá nhiều, mình phải giúp lại các bạn sinh viên” – Chương bộc bạch.
 

Theo Mạnh Duy - Thế Dũng - Thu Hồng
Người Lao Động Xuân 2011

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.