Người có ý chí vươn lên mạnh mẽ đó là ông Võ Văn Hớn (tên thường gọi là Sáu Hớn), 71 tuổi, ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách. Tên ông được nhiều người biết đến nhờ đi tiên phong trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào nghề trồng chôm chôm, tạo doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.
Ông Sáu Hớn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con. Cha mất sớm khi ông mới học đến lớp đệ thất (tức lớp 6 hiện nay), mẹ ông phải đầu tắt mặt tối làm mướn mới lo nổi miếng ăn cho cả bầy con. Do vậy, dù rất ham học, ông cũng đành bỏ dở để phụ lo cho gia đình. Đến 19 tuổi ông lấy vợ, ra riêng trong tình cảnh “không có cục đất chọi chim”, thế là hai vợ chồng đành phải nối nghiệp... làm mướn. Được cái, vợ chồng ông chịu thương chịu khó và biết tằn tiện nên lần hồi sau 10 năm chung sống cũng mua được 3 công đất. Từ 3 công đất ấy vợ chồng ông bắt đầu trồng chôm chôm và làm thêm mọi việc để lấy ngắn nuôi dài... Cứ thế, khi bước qua tuổi 40, ông đã tạo dựng nên một cơ nghiệp vững chắc.
Đến những năm 1990, ông có trong tay trên 3 mẫu đất trồng chôm chôm, chưa kể hơn 3 mẫu công thổ nhận khoán. Trong những năm 2000 trở đi, khi trái chôm chôm mùa thuận ngày càng rớt giá thì ông đã nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, kết hợp với tiếp thu tiến bộ kỹ thuật để kịp thời đầu tư cho vườn nhà ra trái mùa nghịch. Kết quả đạt được không chỉ liên tục đem lại cho ông danh hiệu nông dân sản xuất giỏi mà còn giúp ông tăng thu nhập gấp đôi, gấp ba, dễ dàng có trong tay hàng trăm triệu đồng chỉ trong một mùa vụ. Khi có một người quen ở nước ngoài gợi ý ông đăng ký và tổ chức canh tác chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGap để sản phẩm dễ dàng tiêu thụ trên toàn cầu, ông hăng hái hưởng ứng. Sau 1 năm phấn đấu, sản phẩm của ông được công nhận đạt chuẩn, cá nhân ông được cử đi tham dự và được trao tặng giải thưởng toàn quốc “Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn” tại Đại hội thi đua yêu nước ngành nông nghiệp lần thứ 3 tại Hà Nội vào tháng 8.2010. Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bến Tre Đỗ Văn Công nói: “Ông Sáu có diện tích lớn chuyên canh chôm chôm nên thuận tiện áp dụng tiêu chuẩn GlobalGap, nhưng cũng phải nói là nhờ ông sẵn lòng thích ứng cái mới. Sản phẩm đạt chuẩn xuất qua châu u đạt giá từ 100 - 120 ngàn thậm chí tới 200 ngàn đồng/kg”.
Với mọi người chung quanh, ông rất sẵn lòng chỉ cách cho họ thành công như mình. “Tui từng nghèo khó nên thấy ai nghèo mà chịu làm ăn, tui rất thích. Và nếu họ cần thì xa mấy tui cũng tới. Chỉ cần họ rước giùm vì tui không biết chạy xe và cho xin… một bữa cơm đạm bạc là đủ”, ông cười dí dỏm.
Nguyễn Khoa Chiến
Bình luận (0)