Voi vào hợp tác
Sau khi voi tập hợp đông đủ, chở đoàn khách lên đường lội hồ Lắk và thăm thú thắng cảnh trong vùng, ông Đức mới trở lại tiếp chuyện chúng tôi. Ông hồ hởi: “Hầu hết voi nhà ở huyện Lắk đều quần tụ ở hợp tác xã này nên người ta thường nói vui “voi vào hợp tác”. Nếu Sách kỷ lục VN “để mắt” đến, chúng tôi sẽ được công nhận là hợp tác xã voi duy nhất và là đơn vị sở hữu nhiều voi nhất!”.
Quả thật, với 22 chú voi, HTX du lịch Buôn Jun ở huyện Lắk đã tập hợp gần một nửa đàn voi nhà ở Đắk Lắk, địa phương có truyền thống thuần dưỡng voi rừng. Đây cũng là HTX duy nhất ở VN mà xã viên góp vốn sản xuất bằng... voi. Ông Đức kể, HTX thành lập cách đây 5 năm, với 20 xã viên là các hộ có voi. Ban đầu nhiều người cũng hồ nghi việc đưa voi vào làm ăn hợp tác. Thế nhưng, cách làm hiệu quả đã nhanh chóng thuyết phục các xã viên, bởi một vài con voi riêng lẻ không thể kham nổi nhu cầu của khách nhiều khi rất lớn. Tuy vậy, trên thực tế voi vẫn là tài sản riêng của các hộ xã viên, voi tham gia HTX như một phương tiện sản xuất. Mỗi lần khách du lịch đăng ký cưỡi voi, HTX lại điều động xã viên luân phiên cung cấp voi. Có khi gặp đoàn khách đông, tất cả voi đều được huy động. Theo ông Đức, bình quân mỗi con voi chở khách đem lại thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng, một khoản tiền không nhỏ ở vùng sâu này.
|
Chừng hơn một giờ sau, đàn voi đưa khách lội hồ Lắk trở về. Hỏi chuyện nài voi Ma Nguyên đang lúi húi xích voi lại chờ đợt khách mới, anh cho biết bình quân mỗi tháng có hơn 20 ngày đưa voi phục vụ du khách. “Vào hợp tác xã thì voi của mình mới có cơ hội làm ăn, chở khách du lịch, được điều động voi hợp lý để bảo đảm thu nhập công bằng cho các xã viên. Nếu không thì nuôi voi, chăm sóc voi tốn kém lắm” - Ma Nguyên chia sẻ. Anh bảo, những đơn vị du lịch trong vùng khi thuê voi của xã viên đều thông qua HTX và phải trả thu nhập cho xã viên tương đương hoặc nhiều hơn mức trả của HTX.
|
Nỗi lo voi già
Voi vào làm ăn hợp tác ở HTX Buôn Jun đã làm môi trường du lịch trên địa bàn huyện Lắk trở nên chuyên nghiệp và quy củ hơn, không còn tình trạng chủ voi tranh giành chở khách. Tuy vậy, không phải không có những điều lo lắng đối với đàn voi. Một chủ voi là ông Y Gah bày tỏ: “Ở Lắk giờ đây gần hết rừng rồi, nương rẫy lại mở rộng. Vì thế, thiếu cây cỏ cho voi, người có voi thì không đủ đất để trồng cỏ…”. Rồi những đồn đại hoang đường về việc đeo nhẫn lông đuôi voi sẽ gặp may mắn cũng đem lại phiền toái cho chủ voi và nỗi đau cho voi nhà. Nhiều con voi bị nhổ trộm lông đuôi, chiếc đuôi trở nên trơ trụi, xơ xác. Tệ hơn, có 3 con voi khi đi ăn trong rừng đã bị kẻ trộm chặt mất đuôi, may là được phát hiện, cứu chữa kịp thời. Giờ khi thả voi vào rừng xã viên đều phải cắt cử người trông coi cẩn thận.
“Liệu đây có phải là HTX voi đầu tiên và là cuối cùng?”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Đức thừa nhận có nhiều người lo ngại về điều này bởi tuổi đời bình quân của đàn voi ở HTX Buôn Jun hiện khá cao, khoảng 40 tuổi, có con trên 60 tuổi. “Với tuổi đời như vậy, khoảng 10-15 năm nữa, đàn voi hùng hậu của vùng hồ Lắk e chỉ còn trong ký ức, HTX voi duy nhất này có thể giải thể vì không còn voi để phục vụ du khách” - ông Đức băn khoăn.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)