Chọn kênh đầu tư trong năm mới

07/02/2011 23:02 GMT+7

Năm Tân Mão đã đến với những hy vọng sẽ có nhiều thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư (NĐT). Tuy nhiên theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, các NĐT cần phải thận trọng hơn khi lựa chọn kênh đầu tư để hạn chế rủi ro bị thua lỗ.

Bất động sản, chứng khoán: Cơ hội song hành rủi ro

Với mục tiêu ổn định kinh tế trong năm 2011 của Chính phủ, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo chính sách tiền tệ, tài khóa sẽ tiếp tục đi theo hướng thắt chặt. Do đó nguồn vốn cũng sẽ ưu tiên tập trung cho lĩnh vực sản xuất hơn là các lĩnh vực khác.

Theo thạc sĩ Lê Đạt Chí  - Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính (trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - với mức lãi suất cao như hiện nay thì nguồn vốn dành cho thị trường bất động sản (BĐS) sẽ gặp khó khăn. Dù thị trường BĐS cũng sẽ có giao dịch ở phân khúc sản phẩm dành cho người có nhu cầu về nhà ở thật sự. Do đó nhu cầu về đầu cơ trên thị trường này sẽ chưa nhiều. Với thị trường chứng khoán (TTCK), thạc sĩ Lê Đạt Chí nhận định cũng ít có cơ hội tăng mạnh khi lãi suất ngân hàng còn đang ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ ít có khả năng đạt lợi nhuận cao khi chi phí vốn không hề rẻ. Tuy nhiên TTCK vẫn có thể có cơ hội cho những NĐT nhạy bén và có theo sát với diễn biến của thị trường.

Gửi tiết kiệm ngân hàng hơn 1/2 số tiền, còn lại tôi sẽ đầu tư vào chứng khoán, bất động sản giá thấp...

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng thị trường BĐS và TTCK là hai kênh đầu tư ít thuận lợi trong năm nay. Hai kênh này luôn có sự liên thông mật thiết với nhau và chỉ phát triển mạnh khi nền kinh tế khởi sắc. Nguồn cung cao ốc văn phòng vẫn lớn hơn cầu, phân khúc căn hộ giá trung bình thấp đã dần dần hồi phục trong năm 2010 nhưng sẽ khó tăng tốc mạnh hơn. “Hiện kinh tế thế giới và kinh tế trong nước vẫn còn đang trong thời kỳ hồi phục nên chưa đủ yếu tố để hai thị trường này phát triển mạnh. Nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cũng khó gia tăng mạnh so với năm vừa qua. Theo tôi, có thể TTCK tăng cao hơn trong năm 2010 nhưng vẫn giao dịch trầm lắng chứ không thể sôi động như kỳ vọng của nhiều NĐT”, ông Huỳnh Bửu Sơn nói.

Theo TS Hoàng Công Gia Khánh - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, trường ĐH Kinh tế Luật (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) - hiện các kênh đầu tư vẫn chưa rõ nét xu thế để đưa ra sự lựa chọn rõ ràng. Bởi TTCK hay BĐS sẽ đi theo xu hướng nào đều đang phụ thuộc vào chính sách ổn định tỷ giá ngoại tệ và lãi suất của ngân hàng. Nếu trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chấp nhận đưa tỷ giá ngoại tệ về đúng với giá trị giao dịch thật thì có thể tạo nên sự an tâm cho các NĐT. Hoặc nếu lãi suất ngân hàng được giảm xuống thấp hơn thì tình hình hoạt động của doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn và khi đó NĐT mới mạnh dạn đầu tư vào chứng khoán.

40% nguồn vốn gửi vào ngân hàng, 30% đầu tư vào chứng khoán, 30% còn lại bao gồm cả vàng và ngoại tệ

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn

f
Vì vậy, hiện một số NĐT cá nhân thiên về phương án gửi tiền tiết kiệm nhiều hơn để chờ đợi các cơ hội đầu tư rõ ràng là điều dễ hiểu. Nhất là TTCK cũng lình xình khá lâu và thanh khoản ngày càng giảm khiến họ lo ngại. Hơn nữa với tiền gửi ngân hàng, khi các chính sách về tỷ giá, lãi suất hoặc chỉ số giá tiêu dùng cuối quý 1 và đầu quý 2/2011 được công bố theo chiều hướng thuận lợi thì các NĐT cũng sẽ dễ dàng chuyển dịch dòng vốn từ ngân hàng sang các kênh đầu tư khác.  

Cần đa dạng hóa kênh đầu tư

Ngoài hai kênh đầu tư BĐS và TTCK, nhiều NĐT còn tìm đến các kênh khác như vàng, ngoại tệ. Đặc biệt vàng là kênh đầu tư vẫn đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người khi trong năm 2010, giá đã tăng đến hơn 36%/năm. Đây là một mức tăng mà không kênh đầu tư nào trong năm qua có thể theo kịp. Ngay những ngày đầu năm 2011 vừa qua, kênh vàng cũng đã có nhiều đợt sóng. Sau khi giảm nhanh về dưới 35 triệu đồng/lượng, giá vàng ngày 7.2 đã tăng lên quanh mức 36 triệu đồng/lượng.

40/30/30

Đó là tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư được chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn khuyên nên nghiên cứu áp dụng. Cụ thể trong năm nay, nhà đầu tư có thể dành 40% nguồn vốn gửi vào ngân hàng, 30% đầu tư vào chứng khoán, 30% còn lại bao gồm cả vàng và ngoại tệ. Tỷ lệ phân bổ này sẽ thay đổi linh hoạt khi các chính sách về lãi suất, tiền tệ, tỷ giá... thay đổi với hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với NĐT chuyên nghiệp biết phân tích tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Bởi năm 2011, nhiều dự báo thị trường vàng sẽ có những đợt sóng cực mạnh từ những thông tin từ tình hình kinh tế Mỹ đến cung - cầu vàng trong và ngoài nước.

Trước Tết Nguyên đán khi giá vàng giảm về dưới 35 triệu đồng/lượng, nhiều người lãnh lương thưởng tết đi mua vàng đến nay coi như đã có lời. Tuy nhiên, nếu mua vàng trong ngắn hạn thì thận trọng, còn mua dài hạn từ 3 - 6 tháng thì đây là kênh đầu tư tốt. Qua năm 2011, các công ty kinh doanh vàng sẽ không còn được những thuận lợi như năm 2010 như xuất nhập khẩu không dễ cũng như phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ.

Gửi tiết kiệm đang được quan tâm

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP.HCM - cho biết: “Nếu có tiền, tôi sẽ gửi tiết kiệm ngân hàng hơn 1/2 số tiền đó, còn lại tôi sẽ đầu tư vào chứng khoán, bất động sản giá thấp...”. TS Lê Thẩm Dương phân tích: Lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng hiện nay đang ở mức 14%/năm.

Trong những ngày cuối tháng 1, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên đến 20%/năm nên lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở một số ngân hàng trả cho người gửi tiền lên đến 16% - 16,5%/năm (phần chênh lệch lãi suất đưa tiền mặt bên ngoài). Với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao như vậy, không những cá nhân mà cả các doanh nghiệp cũng tính toán nên gửi tiết kiệm hay đầu tư sản xuất kinh doanh. Bởi, doanh nghiệp để kiếm được lợi nhuận 16%/năm không phải dễ, đó là chưa kể đến việc sản xuất kinh doanh vay vốn ngân hàng với lãi suất cao lên khoảng 20%/năm.

TS Hoàng Công Gia Khánh thì cho rằng vàng mang nặng yếu tố đầu cơ hơn đầu tư. Nhất là giá vàng tại Việt Nam phụ thuộc vào giá vàng thế giới với nhiều yếu tố biến động như kinh tế vĩ mô của các nước, các quỹ đầu cơ lớn... Đó là chưa kể giá vàng trong nước còn phụ thuộc vào biến động của tỷ giá USD. Từ đó sẽ khiến cho những dự báo về giá vàng tại Việt Nam khó chính xác nên NĐT chạy theo kênh này cũng sẽ gặp nhiều rủi ro.

Bên cạnh vàng, hiện kênh ngoại tệ như USD đang được các NĐT chú ý và còn được chọn là một kênh trú ẩn an toàn khi lãi suất huy động USD của các ngân hàng ngay trước thời điểm Tết âm lịch cao hơn 6%/năm. Vào những ngày cuối tháng 1, tin đồn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tỷ giá khiến giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh từ mức dưới 21.000 đồng/USD lên 21.600 đồng/USD và ngày 7.2 dao động quanh mức 21.500 đồng/USD. 

Với mức giá hiện nay, người mua USD ngắn hạn sẽ không có lợi vì giá USD tự do đang cao hơn giá trần ngân hàng niêm yết 19.500 đồng/USD là 10%. Nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, giá USD tự do cũng có thể tăng lên nhưng khả năng giảm cũng có thể xảy ra. Diễn biến này đã xảy ra trong năm 2010, sau khi ngân hàng điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng vào đầu năm 2010, giá USD ngân hàng và tự do đến tháng 4 xuống dưới 19.000 đồng/USD, cách xa mức giá trần trong ngân hàng là 19.500 đồng/USD.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng trong thời điểm hiện tại, nền kinh tế trong và ngoài nước chưa phát triển trở lại nhưng cũng không phải quá ảm đạm để tiếp tục đầu cơ vào vàng. Do đó, các NĐT nên đa dạng hóa kênh đầu tư tốt hơn là tập trung vào một lĩnh vực nào duy nhất.

Mai Phương - Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.