Đăc sản của thợ khéo miệt vườn

08/02/2011 10:44 GMT+7

(TN Xuân Tân Mão) Không chỉ là món ăn đơn thuần, bánh tét đã trở thành mảnh đất sáng tạo tưởng như bất tận của những người thợ khéo.

Cái “nghiệp” bánh tét

“Nhà em làm bánh tét nổi tiếng hồi đó giờ. Không biết người ta ăn làm sao mà cứ vớt ra vài ba tiếng đồng hồ thì có người lại mua hết. Mẹ em không dám nhận bán nhiều vì sợ làm không xuể...”, cô gái trẻ liến thoắng khoe với khách. Cô nói mình lớn lên bên mùi khói bánh thân quen, trong sự ấm no và lòng tự hào về nghề bánh của gia đình, một trong những địa chỉ làm bánh tét ngon nổi tiếng ở Cần Thơ.

Mẹ cô gái, bà Lê Thị Hà (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) từ tốn kể rằng cái nghề làm bánh tét của bà được thừa hưởng từ đời trước. Bà lớn lên bên thúng bánh tét tảo tần của người mẹ, tại một xóm nghèo ở Sóc Trăng. Để giữ được khách ăn bánh dài lâu, bà cụ đã không ngừng tìm tòi cách làm bánh sao cho lạ hơn, ngon hơn…

Lớn lên theo chồng, bà Hà xa nghề bánh tét, chuyển sang mở tiệm bún ở một con hẻm nhỏ tại Cần Thơ. Những ngày bán buôn ế ẩm, bà lại nhớ đến nồi bánh tét. Rồi lại làm để “bán độn”. Không ngờ lâu ngày, bánh tét trở thành món hàng chính. Nghĩ đó là cái “nghiệp”, vợ chồng bà chuyển hẳn qua nghề nấu bánh tét. Cùng với chồng, bà Hà đã phát triển từ công thức làm bánh tét truyền thống từ chỉ nhân chuối, đậu, thêm bánh nhân thập cẩm, bánh chay… mà vẫn giữ được vị nếp dẻo, trắng, béo, rất đặc trưng. Nồi bánh của bà vì thế ngày càng đông khách.

Người ta ăn khen ngon, lại giới thiệu nhau. Bây giờ khách hàng quen thuộc của bà Hà từ Bắc chí Nam, nhiều người định cư nước ngoài còn gọi về đặt bánh để gửi sang. Những ngày giáp tết, gia đình bà Hà phải mướn nhiều người nạo dừa, trộn nếp, gói, nấu bánh. Mỗi ngày làm cả ngàn đòn bánh vẫn không đủ bán. “Có tết, vừa mở cửa đã gặp người đứng trước cửa “cằn nhằn” vì không kịp giao bánh đúng hẹn. Lúc đó tôi chỉ biết năn nỉ, do người đặt bánh quá nhiều”, bà Hà kể.

Truyền thống và sáng tạo

Bánh tét tuy quen thuộc với người dân miền Nam, thế nhưng ở mỗi địa phương đi qua, nó đều có mỗi sắc vị khác nhau, đặc trưng cho sản vật và tính cách con người ở mỗi nơi. Như Trà Vinh có bánh tét Trà Cuôn, Cần Thơ có bánh tét lá cẩm, Phú Quốc có bánh tét mật cật rất đặc trưng. Tại Cần Thơ, bánh tét Chú Dũng (đường Trương Định), Minh Tân (đường Tân Trào), Năm Hòa (chợ Tân An), Cô Hằng (Bình Thủy)… lâu nay là những địa chỉ hay tới của những người “ghiền” bánh tét.

 
Ảnh: Tiến Trình

Tại cuộc thi gói và nấu bánh tét Nam Bộ diễn ra vào dịp cuối năm ở Cần Thơ, những người chứng kiến không khỏi ngạc nhiên với sự phong phú của các loại bánh tét mà những người thợ miệt vườn phô diễn. Một thành viên ban giám khảo trầm trồ cho biết, chị đã chấm nhiều cuộc thi nấu, gói bánh tét, nhưng mỗi lần như thế, chị lại chứng kiến một cách làm mới. Vì vậy, trong những cuộc thi bánh tét, người ta thường chia ra làm hai giải: bánh tét truyền thống và bánh tét sáng tạo. Nếu như người gói bánh tét truyền thống tự hào với nếp, đậu, công thức gia truyền và khéo tay thì bánh tét sáng tạo lại là sự trình diễn của sắc màu, hương vị lạ lẫm.

Thợ nấu bánh tét Trần Tiến Dũng giải thích, những sáng tạo trong gói bánh tét của mình một phần bắt nguồn từ yêu cầu của người ăn. Bên cạnh đó, sự sáng tạo không chỉ làm mới hương vị mà còn là cơ hội để cách tân hình thức, từ màu sắc đến cách trình bày. Nhưng dù với lý do nào, dù bánh tét truyền thống hay bánh tét “thời trang” cũng mang lại những thú vị rất riêng cho người ăn. Và đó là niềm vui, là niềm kiêu hãnh của người làm khi bánh được đón nhận, thậm chí trở thành thương hiệu.

Nếu như xứ Trà Vinh có bánh tét Trà Cuôn, gắn liền với tên tuổi người phụ nữ Khmer Thạch Thị Lý (xã Hòa Hiệp, huyện Cầu Ngang) nổi tiếng với nếp sáp dẻo, thơm, ngon, gia vị độc đáo, người gói khéo tay... đã làm nên hương vị rất riêng, thì Cần Thơ có bánh tét lá cẩm. Bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ một cơ sở sản xuất bánh tét lá cẩm, nhân lòng đỏ trứng vịt muối nổi tiếng trên đường Tân Trào nói, bà tự hào vì truyền thống gói bánh trong gia đình. “Nhà tui có bảy chị em, ai cũng làm bánh tét, ăn rồi chỉ biết gói bánh. Năm nào chị em tui cũng đến gói bánh biểu diễn ở nhà lồng Trà Cổ, bến Ninh Kiều”.

“Xứ tôi nhiều người làm bánh tét khéo lắm. Chúng tôi làm được bánh tét hình cua ốc, bánh tét chữ, đi thi là hạng nhất không đó. Chỉ có năm rồi, chúng tôi đến trễ mới xuống hạng nhì”, người phụ nữ áo bà ba đen, khăn rằn choàng cổ nói với vẻ đầy hãnh diện về tài làm bánh khéo của xứ mình. Còn bà Lê Thị Hồng Lụa (xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) hăm hở giữ khách lại để chứng kiến tận mắt từng cặp bánh tét vớt lên từ chiếc nồi nghi ngút khói. Mùi lá chuối, nếp, thịt, quyện vào nhau tỏa ra ấm áp trong bầu không khí se lạnh buổi chiều cuối năm...

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.