Dù quy mô không bằng các năm trước, đường hoa vẫn nghìn nghịt người, nhóm lớn nhóm nhỏ thanh - thiếu - trung niên, đôi lứa thanh xuân cho đến những gia đình ba bốn thế hệ. Tóc đen mắt đen hay tóc vàng mắt xanh, ai cũng hăm hở máy ảnh, điện thoại di động cầm tay, ngắm nghía, chờ cơ hội để đến lượt mình. Cái khác là khách nước ngoài hầu hết chỉ ghi cảnh sắc đường hoa (và chụp khá nhanh), còn người Việt thì nhất định phải ghi cho được hình ảnh của chính mình (và chụp nhiều kiểu, chẳng buồn để ý rất đông người đang chờ).
1 triệu lượt khách đến Đường hoa Tổng công ty du lịch Sài Gòn (SaigonTourist) cho biết khoảng 1 triệu lượt khách đã đến với đường hoa Nguyễn Huệ và lễ hội Tết Tân Mão 2011 tại TP.HCM trong dịp tết năm nay. Số tiền thu được từ “Hồ Chúc Phúc” và “Cây Chúc Tết” là 568 triệu đồng sẽ được trao cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM để mang đến giúp đỡ cho đồng bào miền Trung gặp khó khăn. Đường hoa đã kết thúc vào tối mùng 4 tết và hiện tại chỉ còn duy trì đường đèn (đường Lê Lợi và đường Đồng Khởi, Q.1) cho đến hết ngày 12 tháng giêng (tức ngày 14.2 dương lịch). Mai Vọng |
Từ Tết Giáp Thân 2004, đường hoa Nguyễn Huệ đã có mặt, ở chính nơi mà trước đây chợ hoa Nguyễn Huệ từng tạo nên một danh hiệu văn hóa nổi tiếng cho Sài Gòn. Còn lùi về quá khứ xa hơn, đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay chính là đại lộ Charner thời Pháp, nơi từng có con kênh đào là thủy lộ cho ghe thuyền lục tỉnh cập bến, mang hoa trái các nơi đổ về, khai sinh một chợ hoa trái ban sơ ngay trên hè phố, để ngày nay trở thành đường hoa.
Những ấn tượng mà đường hoa Nguyễn Huệ từng tạo ra cho người thưởng ngoạn quả thật khó quên. Một cảm giác hạnh phúc đến ngất ngây khi người ta nhìn thấy giữa con đường đẹp nhất, đô hội nhất của Sài Gòn vốn tấp nập người xe và trang phục thời thượng bỗng mọc lên những khóm tầm vông la đà cao vút, xuất hiện những cầu tre lắt lẻo, cầu khỉ chênh vênh, những ao sen ao súng với hoa mướp vàng đong đưa bờ rào, những xe thổ mộ quê kiểng và xe xích lô thân thuộc, những cánh đồng mạ non với thằng bù nhìn rơm sau những mái tranh vách lá, những chum vại sành sứ, nồi niêu đất nung, chưa kể những xa quay kéo sợi, những chiếc đèn dầu đã từ lâu không còn trông thấy trong thành phố…
Còn cả những thuyền hoa, dải hoa, thác hoa, xe hoa, tàu hoa, quạt hoa, đồi hoa… mang đến đủ các sắc màu lộng lẫy. Rồi dày đặc đèn lồng các màu, các kiểu và vô số những Khỉ, Gà, Chó, Lợn, Chuột, Trâu, Cọp bằng đủ các chất liệu, đủ các biểu hiện đa dạng sinh động... rất duyên dáng đáng yêu, tươi cười chào đón năm mới.
Đường hoa Tết Tân Mão với đôi mèo hạnh phúc ở đầu đường cùng những bông lúa khổng lồ biểu tượng một mùa vàng bội thu cũng để lại ấn tượng, cho dù quãng cuối đường bỗng lộ ra sự đơn điệu với chỉ rặt hai thứ hoa vạn thọ và mồng gà, cùng những trang trí có vẻ quá đơn giản, thiếu sự đầu tư.
Với riêng tôi, tôi vẫn chờ được xem “Con mèo mà trèo cây cau” hay một con mèo đầy nhũng nhiễu trong Đám cưới chuột của tranh Đông Hồ - những chân dung thú vị, sâu sắc mà văn hóa dân gian sẵn lòng cung cấp cho cả mười hai con giáp chứ chẳng riêng loài mèo. Nhưng đáng tiếc là chúng ta vẫn chỉ mới sắp đặt một cách rất “tĩnh” mà chưa khai thác khía cạnh “động”, từ những câu chuyện rất hấp dẫn trong dân gian hay trong lịch sử. Sao ta không tìm cách hình tượng hóa, kể lại câu chuyện bánh chưng, bánh giày thời vua Hùng, chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, Tiên Dung - Chử Đồng Tử, chuyện Trần Quốc Toản trẻ tuổi chí cao, kể về chiến thắng quân Thanh của Nguyễn Huệ mùa xuân Kỷ Dậu 1789, hay những chuyện hài hước của Trạng Quỳnh, bác Ba Phi, chất hóm hỉnh trào lộng trong thơ Hồ Xuân Hương…
Biết đâu đó sẽ là cách để đường hoa không chỉ có hoa mà còn rất giàu có về văn hóa - lịch sử Việt, là cách dạy văn hóa - lịch sử một cách dễ nhớ nhất cho lớp trẻ, cách giới thiệu văn hóa - lịch sử Việt Nam nhẹ nhàng nhất đến du khách bốn phương.
Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)