Khởi tố vụ tàu lửa tông ô tô trên cầu

08/02/2011 00:58 GMT+7

* Cơ quan điều tra tạm giữ hình sự 7 người Cầu Ghềnh bắc qua 2 nhánh sông Đồng Nai chủ yếu dành cho tàu lửa lưu thông. Nhưng từ lâu, cây cầu này lại "gánh" thêm cả ô tô, mô tô, xe đạp... lưu thông qua lại.

Và điều tất yếu đã xảy ra, đêm  6.2 (tức mùng 4 tết), tàu lửa đã tông thẳng vào đoàn ô tô đang mắc kẹt trên cầu Ghềnh.

Tai nạn kinh hoàng

Nằm điều trị hồi sức tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, anh Trần Chí Kiên (SN 1974, ngụ tại TP.HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng kể, cả gia đình anh gồm vợ, hai con nhỏ và mẹ vợ thuê xe taxi Mai Linh BS 60V-7834 đi chúc tết. Khi chuẩn bị qua cầu Ghềnh thì bị tắc nghẽn giữa lòng cầu. "Lúc này, trên cầu xe ô tô và xe gắn máy xếp thành hàng dài chật cứng, nhích từng chút một. Chưa hết, một ô tô không hiểu vì sao lại được nhân viên cho lưu thông vào đường sắt theo chiều ngược lại, mà phía bên này vẫn còn rất nhiều xe đang mắc kẹt (thường thì nhân viên gác chắn chỉ cho phép ô tô lưu thông vào đường sắt khi chiều ngược lại không còn ô tô nào để tránh kẹt xe - PV). Vừa kẹt xe một lúc, bỗng dưng mọi người hốt hoảng khi phát hiện tàu SE2 kéo còi từ phía Bình Dương lao đến. Mọi người giẫm đạp, nhảy ra khỏi khu vực đường sắt nhưng đã muộn", anh Kiên bàng hoàng.

Cũng theo lời anh Kiên, thấy tai nạn cận kề, tài xế taxi tông cửa thoát ra được, để lại cả gia đình anh trên chiếc xe tử thần. "Lúc này, một cú va chạm vào chiếc taxi cực mạnh, tôi nghĩ cả gia đình đều tan nát thịt xương, nhưng trời còn thương nên cả 5 người đều may mắn thoát chết", anh Kiên nói.

Trong khi đó, cha con ông Trần Ngọc Khải (sinh 1962) và Trần Thanh Tuấn (sinh 1991, cùng ngụ tại KP 6, P.Tân Mai, TP Biên Hòa) lại không có may mắn đó.  Tại hiện trường, chiếc xe tải nhẹ BS 60N-6320 chở cha con ông Khải bị tông bẹp dúm đầu, xác nạn nhân không còn nguyên vẹn.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai, vụ tai nạn xảy ra  vào lúc 19 giờ 34 phút tại cầu Ghềnh. Tàu hỏa SE2, đầu kéo 951 do Nguyễn Văn Túy (SN 1968, quê Bình Phước) điều khiển hành trình hướng TP.HCM đi Hà Nội đã va chạm 6 ô tô đang lưu thông trong lòng cầu gồm ô tô tải nhẹ và 5 ô tô con. Ngoài hai cha con ông Khải chết tại chỗ, còn có 24 người phải vào bệnh viện cấp cứu, trong đó 1 trường hợp chấn thương não chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy. Tính đến chiều qua, chỉ còn 5 trường hợp đang tiếp tục hồi sức.

Nhiều nguyên nhân đang được làm rõ

Để làm rõ nguyên nhân, hôm qua (7.2), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã quyết định khởi tố vụ án về tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn ra quyết định tạm giữ hình sự 7 người để phục vụ công tác điều tra gồm Nguyễn Văn Túy (lái tàu chính), Nguyễn Xuân Phú (lái tàu phụ), Tô Quang Toán (nhân viên bảo trì đèn tín hiệu), Trần Văn Thời, Trần Viết Hải, Bùi Văn Thuần, Nguyễn Văn Lương (đều là nhân viên gác chắn) để phục vụ công tác điều tra.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do nhân viên gác chắn 3 và 4 không tuân thủ quy định điều khiển đèn tín hiệu để phương tiện (ô tô) lưu thông vào lòng cầu Ghềnh (tuyến đường sắt) dẫn đến gây ách tắc giao thông ở 2 đầu cầu. Đồng thời, xe ô tô taxi Vinasun biển số 56K-9697 lưu thông từ hướng Bửu Hòa vào TP Biên Hòa không lùi xe để nhường cho 5 xe ô tô qua cầu theo hướng ngược lại. Đến khi phát hiện tàu SE2 tới, các nhân viên gác chắn không ra được tín hiệu chưa thông cầu nên dẫn đến tai nạn giao thông.

Trong khi đó, tại cơ quan điều tra, các nhân viên gác chắn khai, trước đó thấy trên cầu Ghềnh bị kẹt xe thành hàng dài nên đã điện báo cho tàu SE2, khi tàu này đang ở khu vực Dĩ An (Bình Dương), nhưng không rõ vì sao tàu vẫn vào khu vực này. Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Lê Đăng Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý đường sắt Biên Hòa (thuộc Công ty quản lý đường sắt Sài Gòn) còn cho biết: "Vào thời điểm xảy ra tai nạn, cột hiệu báo trước (cách cầu Ghềnh 800 mét) bị hư. Ngoài ra, cột báo hiệu vào cầu cũng bị hư nên đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn". Những thông tin này đang được công an làm rõ.

Giải mã hộp đen

Cũng trong chiều qua, đại tá Võ Văn Sáng, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã chỉ đạo các cơ quan điều tra, lực lượng kỹ thuật hình sự  khẩn trương làm rõ nguyên nhân. Công an cũng tiến hành kiểm tra các trụ đèn tín hiệu tại trung tâm điều hành đường sắt 2 đầu cầu và xác định lại toàn bộ nội dung điện tín của các nhân viên đường sắt khi liên hệ với tàu SE2.

Buổi chiều cùng ngày, các điều tra viên và Tổng công ty đường sắt Sài Gòn đã đưa đầu kéo tàu hỏa về TP.HCM để tiến hành giải mã hộp đen để có cơ sở xác định nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn.

Theo quy định công lệnh về tốc độ chạy tàu, khu vực từ Dĩ An về Biên Hòa cho phép tàu chạy tốc độ 80 km/giờ. Khi tàu qua khu vực cầu Đồng Nai (bao gồm khu vực cầu Ghềnh) tốc độ cho phép là 60 km/giờ đối với tàu khách, 50 km/giờ đối với tàu chở hàng. Một điều tra viên cho hay: "Qua xem xét sơ bộ ban đầu về hành trình và quy định thời gian, kỹ thuật chạy tàu cho thấy tàu SE2 cơ bản đảm bảo đúng yêu cầu. Tuy nhiên, do lực đẩy của sự va chạm quá lớn nên cơ quan điều tra vẫn đặt ra giả thiết có thể do tàu chạy quá tốc độ".

Theo nguồn tin mới nhất, vào tối qua đã có kết quả sơ bộ ban đầu. Theo đó, tàu khách SE2 vào khu vực cầu Ghềnh lên đến 62 km/giờ, thắng trượt kéo dài 250m thì mới dừng lại.

Hiểm họa vẫn treo lơ lửng

Chiều qua, PV Báo Thanh Niên trở lại khu vực này, ghi nhận tình hình an toàn giao thông qua khu vực cầu Ghềnh hết sức nguy hiểm. Sinh sống ở gần khu vực cầu Ghềnh, ông Nguyễn Văn A (P.Bửu Hòa) nói: "Cứ vào giờ cao điểm thì trên cầu thường xuyên xảy ra kẹt xe. Chỉ cần một ô tô lưu thông qua cầu mà phía ngược lại không nhường thì kẹt cứng. Có nhiều lần tôi chứng kiến, trên cầu kẹt xe mà từ xa đã nghe tiếng còi tàu. May mà nhân viên giải tỏa kịp thời, nếu không thì không biết hiểm họa đến nhường nào". Ông Dương Danh Quý, Ban An toàn giao thông  Đồng Nai cho biết: "Do đây là cầu đường sắt giao với đường bộ nên cực kỳ nguy hiểm khi các làn xe đi chung với đường sắt. Cầu Ghềnh được xây dựng từ thời Pháp,  nên muốn giải quyết được mối hiểm họa thì phải xây dựng cầu khác riêng biệt cho xe máy và ô tô".

Được biết, vào tháng 7.2010, TP Biên Hòa đã khởi công xây dựng cầu Hiệp Hòa bắc qua sông Đồng Nai. Cầu dài 131m, có đường dẫn vào cầu, lộ giới 20,5m; mặt cầu rộng 15,5m, với mỗi bên hành lang 2,5m. Tổng giá trị hơn 32 tỉ đồng. Dự án này cũng phần nào làm giảm tải cho cầu Ghềnh đang "cõng" quá nhiều phương tiện như hiện nay.

Nguy cơ tiềm ẩn trên địa bàn TP.HCM

Theo ông Phạm Văn Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty vận tải hành khách Đường sắt Sài Gòn, cầu Ghềnh (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là cầu đường sắt nhưng từ trước đến nay tàu hỏa và ô tô vẫn chạy chung. Mỗi khi có đoàn tàu sắp đi qua thì ở hai bên đầu cầu có nhân viên trực gác chắn không cho các phương tiện giao thông đường bộ lưu thông qua cầu.

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc này một lần nữa cảnh báo về tình trạng mất an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, đặc biệt là tại cầu Ghềnh - nơi các phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt đi chung với nhau. Qua đây, cho thấy sự nguy hiểm của việc cho phép các phương tiện giao thông đi chung với nhau trên cây cầu đường sắt, vì chỉ cần một sự thiếu ý thức, một vụ va quệt nhau giữa các xe trên cầu, hay một sự bất cẩn của nhân viên trực gác cầu và nhiều nguyên nhân khác nữa, là khó tránh khỏi nguy cơ xảy ra tai nạn. Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP.HCM cho rằng, không nên tiếp tục cho phép các phương tiện giao thông đường bộ đi trên cầu Ghềnh của đường sắt, vì như vậy là rất nguy hiểm.

Từ vụ tai nạn khủng khiếp này, cho thấy mối nguy hiểm tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt ở các đô thị lớn thường xảy ra ùn tắc giao thông. Cụ thể là trên địa bàn TP.HCM, các tuyến đường giao cắt với đường sắt có mật độ xe lưu thông rất đông như Lê Văn Sĩ, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm và đặc biệt ở ngã tư Bình Triệu - là những nơi thường xảy ra ùn tắc giao thông cả những khi đoàn tàu đi ngang qua. Lúc đó, nếu không có sự điều tiết giao thông kịp thời, thông tin nhanh chóng từ nhân viên gác tàu cho đoàn tàu biết, thì nguy cơ tai nạn sẽ khó mà tránh khỏi. Giải pháp an toàn là xây dựng đường sắt trên cao, đoạn từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Theo ông Hà Ngọc Trường, để làm đoạn đường sắt trên cao này, kinh phí đầu tư khoảng 200 triệu USD. Ông Trường cho biết hiện có một nhà đầu tư từ Nhật Bản đang dự tính sẽ đầu tư xây dựng đoạn đường sắt này.

Mai Vọng

Kim Cương - Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.