Trẩy hội chùa Hương coi chừng bị “chém đẹp”

08/02/2011 23:50 GMT+7

Du khách thập phương trẩy hội chùa Hương (xã Hương Sơn, H.Mỹ Đức, Hà Nội) dịp này vẫn lại gặp cảnh bị làm phiền, chèo kéo và "chặt chém" vô tội vạ.

Từ ngã ba Xa La - Hà Đông, cánh xe ôm đã trực sẵn, vồn vã mời chào, hứa hẹn sẽ dẫn đường cho khách đến tận chùa với mức giá khó rẻ hơn. Một số ông xe ôm kiên nhẫn hơn, tình nguyện “bám càng” xe chở khách, để khách xuống là dẫn vào chùa. Tại ngã ba Thanh Ấm, thuộc địa phận huyện Quốc Oai, Hà Nội, cũng có một đội ngũ xe ôm đứng chờ sẵn, thấy khách tấp xuống hỏi đường là nhao lên để chào mời. Họ sẵn sàng bám theo khách, đưa khách đến tận bến đò, với những lời mời nhiệt tình, chu đáo...

"Chắc tởn đến già”

Nhưng theo lời kể của chị Đỗ Thị Luyến, bán hàng nước ven đường tại ngã ba Hòa Xá (H.Ứng Hòa, Hà Nội), đó thực chất đều là những “cò” có nhiệm vụ dẫn khách vào khu vực suối Yến, hướng dẫn mua vé đi đò đến các khu đền của chùa Hương là đền Trình, chùa Thiên Trù, động Hương Tích... sau đó trao khách cho nhà đò. “Mỗi cuốc dẫn khách thế này, họ được nhà đò chi hoa hồng khoảng 30.000 - 50.000 đồng/lượt”, chị Luyến nói.

Vé đi đò từ Bến Đục, qua Đền Trình, đến chùa Thiên Trù chỉ 12.500 đồng/lượt/người, 25.000 đồng/lượt/người vé khứ hồi, nhưng khi đến bến đò, rất nhiều người vẫn phải trả thêm tiền cho chủ đò nếu muốn chuyến đi suôn sẻ. Bức xúc vì đã bỏ tiền mua vé mà đến bến vẫn phải trả thêm 120.000 đồng cho chủ đò, anh Nguyễn Khắc Công (Thanh Ba, Phú Thọ) bảo lần đầu tiên đi chùa Hương mà bị “chém” thế này "chắc tởn đến già”. Mức phụ phí này, anh Công cho hay được chủ đò giải thích là vì khách ít, chỉ có 2 người, mà bình thường nếu chở 8 - 10 người, thu mỗi người 20.000 đồng, thì chủ đò vẫn lãi hơn là chở 2 người mà chỉ thu 120.000 đồng.

Cảnh hàng quán buôn bán tấp nập vẫn diễn ra. Phía dưới chùa Thiên Trù, có đến hàng trăm ki-ốt bày bán các mặt hàng, từ đồ ăn, nước uống, cơm, phở bình dân đến các món hàng lưu niệm. Giá đồ ăn tại đây gần như đắt gấp đôi, gấp ba so với bình thường. Một suất cơm bình dân với đậu phụ, lạc, su hào luộc và thịt lợn bằm có giá khoảng 50.000 đồng/suất; bánh mì 15.000 đồng/chiếc, xúc xích dao động 15.000 - 20.000 đồng/chiếc; trứng gà, vịt luộc 50.000 - 60.000 đồng/chục quả; phở 45.000 đồng/tô...

 “Cần gì phải đến chùa Hương mới mua được đặc sản”

Phong lan rừng đóng theo giò 50.000 - 300.000 đồng/giò, phong lan hồ điệp 15.000 đồng/lạng, bánh củ mài mật ong, củ mài hấp... là những đặc sản được nhiều người mua về làm quà khi đến hội chùa Hương.

Thế nhưng, trong số này có nhiều loại được dán nhãn đặc sản Hương Sơn mà thực tế lại được sản xuất và phân phối từ các huyện khác. Anh Nguyễn Văn Sơn (xóm Cầu, Hạ Mỗ, H.Đan Phượng, Hà Nội) đi chùa Hương hôm mùng 5 tết, kể lễ bái xong, anh xuống khu vực hàng quán dưới chân chùa Thiên Trù mua hết gần 300.000 đồng tiền quà là bánh củ mài mật ong, bánh cu đơ, bánh cốm... hiệu Chú Béo, nhưng khi về mở ra lại thấy ghi nơi sản xuất là xã Thượng Mỗ, địa phương ngay cạnh nơi anh đang sống. “Thế này cần gì phải đến chùa Hương mới mua được đặc sản. Tự nhiên vượt quãng đường gần 80 km để mua loại bánh sản xuất ở lò cách nhà mình chưa đầy 2 km”, anh Sơn bức xúc.

Nạn bán thịt thú rừng tươi được cho là đặc sản núi Hương Sơn vẫn tiếp diễn trong mùa hội năm nay. Đếm sơ sơ tại bến Thiên Trù cũng có gần 20 hàng chuyên kinh doanh mặt hàng này. Giá bán cũng tùy quán, tùy khách, khoảng 200.000 đồng/kg thịt nai, 350.000 đồng/kg thịt hươu sao, 300.000 - 500.000 đồng/kg thịt hoẵng rừng...

Trong buổi chiều mùng 6 tháng giêng, chính mắt chúng tôi chứng kiến chủ quán ăn Thùy Dương tại bến đò Thiên Trù, miệng ra rả mời khách mua thịt nai, trong khi nhìn móng guốc thì đó là con bê, không thể nhầm lẫn! 

Chính quyền bất lực nhìn du khách bị "chặt chém"?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Phúc Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, cho biết ngày khai hội hôm qua (mùng 6 tết), chùa Hương đã đón hơn 3 vạn khách đến lễ hội, đưa tổng số khách du lịch tới chùa Hương trong 5 ngày tết (từ mùng 2 đến mùng 6) lên 14 vạn người.

Về hiện tượng “cò mồi” chèo kéo khách đi đò, ông Hải cho biết trong 3 ngày qua, lực lượng công an của huyện đã rải quân để ngăn chặn, xử lý và đã tạm giữ 6 đối tượng vi phạm. Cũng theo ông Hải, Ban tổ chức lễ hội đã tuyên truyền, yêu cầu các chủ đò không được thu thêm tiền của khách, nhưng do mật độ đò và khách đi đò quá đông nên cũng không thể kiểm soát hết việc thu thêm tiền đò. Ông Hải cũng cho rằng, giá trông xe máy 2.000 đồng/ngày và 3.000 đồng/đêm như quy định hiện nay cũng chưa phù hợp, vì du khách tới khu di tích chùa Hương thường phải đi vãn cảnh hết cả ngày, đây cũng chính là lý do mà những người trông giữ xe thường thu cao hơn giá quy định.

Việt Chiến

Trần Đan - Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.