Hệ thống ĐS VN được người Pháp xây dựng từ những thập niên cuối thế kỷ 19, sau năm 1945 ở miền Bắc có xây dựng thêm một vài tuyến mới như Đông Anh - Thái Nguyên, Kép - Hạ Long... nhưng không đáng kể.
Tuyệt đại bộ phận vẫn đang sử dụng hệ thống ĐS khổ 1.000 mm từ thời Pháp để lại, trong đó đáng chú ý là hệ thống thông tin tín hiệu và còn tồn tại trên 3.500 vị trí giao cắt với đường bộ trên mặt bằng. Bên cạnh đó còn một số cầu ĐS được bố trí chạy chung với đường ô tô như trường hợp cầu Ghềnh (thuộc Đồng Nai), cầu Bạch Hổ (Huế)...
Đây là những điểm mất an toàn giao thông nghiêm trọng, do lượng xe ô tô và xe gắn máy lưu thông qua các cầu chạy chung này mỗi năm càng tăng cao cùng với số lượng đôi tàu lưu thông trên ĐS cũng không ngừng tăng lên, đặc biệt là trong những ngày lễ, tết làm cho số lần phải hạ gác chắn để ưu tiên cho tàu hỏa ngày càng dày đặc hơn, tạo nên số vụ ùn tắc giao thông hai đầu cầu ngày một nghiêm trọng. Chỉ cần hệ thống thông tin tín hiệu trục trặc hoặc người phụ trách gác chắn lơ là trong giây lát là tai nạn có thể ập đến tức thì.
Nói riêng về đoạn tuyến ĐS Thống Nhất từ ga Trảng Bom (Đồng Nai) về đến ga Sài Gòn (TP.HCM) đi xuyên qua TP Biên Hòa về trung tâm TP.HCM dài hơn 60 km, từ những năm 1995 - 1996, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đoạn ĐS này được cải dịch về phía nam TP Biên Hòa.
Tuyến đường quy hoạch này vượt qua sông Đồng Nai tại vị trí hạ lưu cầu Đồng Nai đường bộ (cầu ĐS đi riêng), nối vào ga Dĩ An (thuộc Bình Dương) về ga Bình Triệu. Đoạn từ Bình Triệu về ga Sài Gòn cũng đã được lập dự án cải tạo triệt để 14 điểm giao cắt trên mặt bằng với phương án ĐS trên cao (kể cả việc xây mới cầu Bình Lợi lên cao độ mới để giải phóng tàu bè lưu thông trên sông Sài Gòn).
Thực hiện dự án này sẽ ưu tiên đạt cùng một lúc 4 mục tiêu quan trọng: ĐS không còn cắt qua TP Biên Hòa (trong đó bao gồm cả việc cầu ĐS không còn chạy chung với đường bộ), triệt tiêu 14 điểm giao cắt giữa ĐS và các trục giao thông chính trong TP.HCM, đưa ga khách kỹ thuật hiện đang tọa lạc tại Hòa Hưng (Q.3) về khu vực Bình Triệu (Q.Thủ Đức) phù hợp với quy hoạch phát triển TP.HCM và giải phóng luồng giao thông thủy trên sông Sài Gòn.
Một dự án mang lại nhiều lợi ích như vậy, thiết nghĩ cần được ưu tiên đầu tư vì trên hết nó mang lại sự an toàn giao thông cho người và phương tiện, giảm ùn tắc cho hệ thống giao thông phía đông bắc thành phố.
TP.HCM cần phối hợp với Bộ GTVT trình Chính phủ ưu tiên đầu tư cho dự án này.
Hà Ngọc
Bình luận (0)