Chứng khoán vào khuôn khổ

10/02/2011 23:17 GMT+7

Thông tư 226 do Bộ Tài chính mới ban hành bao gồm một loạt biện pháp nhằm đưa hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ vào khuôn khổ.

Kể từ ngày 1.4.2011, hơn 100 công ty chứng khoán (CTCK), 47 công ty quản lý quỹ bắt đầu gửi báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính hằng tháng cho Ủy ban Chứng khoán (UBCK) theo Thông tư 226 của Bộ Tài chính mới ban hành. Qua các chỉ tiêu này, nếu xuất hiện rủi ro, các tổ chức trên sẽ bị cơ quan quản lý kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, nặng hơn có thể bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, buộc sáp nhập, hoặc giải thể.                                        

Chủ động tính toán rủi ro

Theo quy định này, UBCK sẽ sử dụng hệ số vốn khả dụng để kiểm soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán (KDCK). Từ đó, sẽ quyết định đưa các tổ chức vào diện kiểm soát hay kiểm soát đặc biệt nếu hệ số trên vượt quá quy định cho phép. Cụ thể, nếu tỷ lệ % vốn khả dụng/tổng giá trị rủi ro dao động từ 120% đến 150% trong 3 tháng liên tiếp, các thành viên trên sẽ rơi vào diện bị kiểm soát. Trong trường hợp, tỷ lệ trên giảm xuống dưới 120% hoặc không khắc phục trong vòng 12 tháng, sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Quản lý kinh doanh - UBCK cho biết, mục tiêu của thông tư là để lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức KDCK. Các tổ chức KDCK phải chủ động tính toán các chỉ số tài chính để thấy được rủi ro sẽ phải đối mặt. UBCK sẽ đưa ra các tỷ lệ thông qua vốn khả dụng và tổng giá trị rủi ro để công ty lấy làm căn cứ. “Tổ chức KDCK phải tính toán được vốn chủ sở hữu bao nhiêu để cho vay như thế nào, đầu tư ra sao. Nếu không biết khoản đầu tư của mình rủi ro như thế nào, dễ dẫn tới mất an toàn tài chính, khả năng thua lỗ rất lớn”, ông Sơn nói.

Theo lãnh đạo của Vụ Quản lý kinh doanh (UBCK), gốc gác của việc kiểm soát nằm ở vốn khả dụng. Trong đó, một khái niệm quan trọng mà bất cứ CTCK nào cũng phải nhớ khi thông tư có hiệu lực đó là vốn khả dụng - vốn có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng 90 ngày. “Không phân biệt quy mô lớn hay nhỏ, CTCK muốn làm gì, đầu tư ở đâu đều phải đảm bảo nguồn vốn khả dụng của mình trong thời gian đó. Quá ngày sẽ bị kiểm soát”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ngoài vốn khả dụng, thông tư trên cũng đưa ra các tỷ lệ của tổng giá trị rủi ro trong đó bao gồm giá trị rủi ro hoạt động (25% chi phí hoạt động của CTCK trong 1 năm); giá trị rủi ro thị trường và giá trị rủi ro thanh toán (UBCK quy định phương pháp tính) nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức KDCK.                                   

Có thể đình chỉ hoạt động

Về khả năng đáp ứng chỉ tiêu trên, đại diện của UBCK cho biết, sau khi tính toán thử cơ bản các thành viên đều đáp ứng đủ. Tháng 6.2011, UBCK sẽ nhận báo cáo định kỳ của các tổ chức KDCK, qua đó sẽ rà soát, phân tích các số liệu, nếu trường hợp nào mất an toàn, tùy mức độ sẽ bị kiểm soát, hoặc kiểm soát đặc biệt. Đến hết năm 2011, công ty có thể bị đình chỉ hoạt động, nếu không khắc phục được hậu quả.

Thông tư cũng quy định, nếu tổ chức KDCK bị kiểm soát thời gian kéo dài trong vòng 12 tháng, UBCK có thể yêu cầu các thành viên nằm trong tình trạng kiểm soát bán tài sản có mức độ rủi ro cao, hạn chế, ngừng mua cổ phiếu quỹ; thu hồi nợ, bán lại cổ phần, phần vốn góp cho chủ nợ... Đối với trường hợp bị kiểm soát đặc biệt, tổ chức KDCK chỉ được đưa ra khỏi tình trạng này khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt và vượt 150% của tất cả các kỳ báo cáo trong vòng 3 tháng liên tục. Hết thời hạn, nếu tổ chức KDCK vẫn không khắc phục được và có lỗ gộp vượt mức 50% vốn điều lệ trở lên sẽ bị đình chỉ hoạt động.

 Phản hồi quy định trên, một lãnh đạo của CTCK Tràng An cho biết, thông tư trên sẽ làm cho hoạt động của CTCK lành mạnh hơn. Nếu CTCK quản lý đầu tư tốt thì không có gì đáng ngại, chỉ có công ty nào đầu tư dàn trải, tham gia góp phần, lập công ty cổ phần sẽ gặp nhiều khó khăn.  

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.