Thứ nhất, việc rải đinh trên đường ngoài chuyện “cố ý làm hư hỏng tài sản” của người điều khiển xe máy, còn có thể khiến xảy ra tai nạn hết sức nguy hiểm. Thứ hai, phàm vì lợi lộc nhỏ mọn của mình mà gây ra nguy hại cho người khác, có thể dẫn đến chết người thì không thể có một hình phạt vài ba chục tháng tù là có thể bù đắp được.
Trong những ngày tết vừa qua, hoạt động của “đinh tặc” lại tiếp tục rộ lên khắp các tuyến đường cửa ngõ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… khiến cho dư luận vô cùng bức xúc.
Thử hình dung, người đi đường cán phải đinh, xe máy loạng choạng giữa trùng trùng xe tải, xe container chạy rầm rập trên xa lộ, thì sẽ thấy ngay rằng điều gì sẽ xảy ra. Do việc khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn thường chỉ tính đến vị trí và nguyên nhân lưu thông và yếu tố khác của các bên tham gia giao thông nên cũng chưa ai biết rằng, có thể nhiều vụ tai nạn chết người là bởi cán phải đinh do bọn “đinh tặc” rải trên đường. Lúc xảy ra tai nạn, hầu như không ai truy xuất một lỗ thủng nhỏ trên ruột xe máy để xác định nguyên nhân lạc tay lái là do đâu (một lỗi thường được quy trong hồ sơ hiện trường là “không làm chủ tay lái”). Và nhiều người chết oan uổng có thể là do bàn tay và lòng tham của các “đinh tặc”. Nói như vậy để thấy rằng “đinh tặc” là một trong những tội phạm ung nhọt nguy hiểm của xã hội.
Vậy thì, liệu có thể chỉ truy tố các đinh tặc chỉ về tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” như đã diễn ra ở các phiên tòa vừa qua hay có thể truy tố thêm tội danh “cố ý giết người”? Tham khảo ý kiến của một số luật sư, đa phần đều cho rằng, chiếu theo Bộ luật Hình sự, do không xác định được động cơ, hậu quả của việc giết người nên khó có thể truy tố các đinh tặc về tội “cố ý giết người”, mà khi xác định được rằng tai nạn giao thông dẫn đến chết người do “đinh tặc” gây ra, thì chỉ có thể truy tố đinh tặc về tội “vô ý làm chết người”, cộng thêm các tình tiết tăng nặng. Chiếu theo quy định, các nhóm “đinh tặc” ra trước vành móng ngựa vừa qua còn phạm vào Điều 48 của Bộ luật Hình sự, tức là nằm vào ít nhất 4 tình tiết tăng nặng trong quy định “Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự”, đó là tình tiết phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội vì động cơ đê hèn, phạm tội nhiều lần…
Dù không trực tiếp gây ra tai nạn chết người, nhưng hành vi của các “đinh tặc” cũng hết sức nguy hiểm và bị dư luận xã hội lên án. Nên, dù lập luận thế nào cũng không thể chối bỏ được sự nguy hại nghiêm trọng do hành vi rải đinh gây ra. Do vậy, cần phải có một hình thức nào đó để áp dụng một hình phạt thật nghiêm khắc với loại tội danh này. Ngoài ra, có thể áp dụng thêm tội danh “tịch thu tài sản do phạm tội mà có”, cụ thể là niêm phong, tịch thu các phương tiện của tiệm sửa xe gắn máy có “đinh tặc”.
Áp dụng một hình phạt thật nặng, có tính chất răn đe và ngăn ngừa các đối tượng khác có hành vi tương tự, là một biểu hiện nghiêm minh của kỷ cương phép nước cần phải được thiết lập.
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)