Hôm nay 12.2 (tức 10 tháng giêng âm lịch) là ngày khai hội Yên Tử. Công tác chuẩn bị cho lễ hội năm nay đã có nhiều tiến bộ khi hệ thống cáp treo được nâng công suất để giảm thiểu tình trạng quá tải những năm trước; hầu hết những con đường hành hương đã được nâng cấp, không hề có người ăn xin; việc giữ xe được tổ chức bài bản và nghiêm túc, mỗi xe máy gửi trong bãi xe giá chỉ 2.000 đồng...
Đặc biệt, với sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương, tình trạng bán các loại cây cảnh, lá thuốc đã giảm hẳn, không còn thấy cảnh hàng nghìn người dân địa phương vào rừng đào măng trúc bán cho du khách. Theo ông Nguyễn Thành Phố - Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh - thì địa phương đã tăng cường lực lượng công an, kiểm lâm... để hạn chế tối đa tình trạng phá hoại cảnh quan, môi trường cũng như nạn móc túi, trộm cắp trong lễ hội.
Tuy nhiên, trong khi nhiều chùa chiền, đường sá được tôn tạo, hệ thống cáp treo khá ổn thì khi đến Yên Tử, nhiều du khách không khỏi choáng ngợp trước nhiều bãi bê tông và sắt thép ở khu vực bãi xe trước chùa Giải Oan. Có cả một “hội chợ xuân Yên Tử” được mở ở khu vực này, một khu nhà thép rất lớn cũng được dựng để tổ chức các sự kiện. Ngay lối vào chùa Giải Oan, cách đây ít năm đã có một chiếc cầu đá khá đẹp, năm nay lại có một cây cầu lát gỗ ngay cạnh làm cho con suối Giải Oan thơ mộng và gắn với nhiều truyền thuyết trở nên chật chội. Tại chùa Hoa Yên, các hàng quán, nhà trọ dựng bên sườn núi đã thay thế cho những lều lán lụp xụp những năm trước, nhưng cảm giác về một không gian bị sắt thép hóa vẫn hiện diện, dù các tấm tôn làm nhà đều được sơn xanh cho tiệp với màu của rừng cây.
Sự bề bộn của Yên Tử trong mùa hội năm nay thể hiện rõ nhất từ tượng An Kỳ Sinh, là khu vực nhạy cảm bậc nhất của khu di tích, cách đỉnh núi Yên Tử khoảng 700m. Tại đây có nhiều hàng quán dựng lộn xộn ngay lối đi, và khác với khu vực chùa Hoa Yên, nơi này không có rừng cây nên những căn nhà bằng tôn lù lù đứng bên sườn núi khiến du khách “tức” mắt. Tại đây, còn sừng sững một giàn giáo bằng thép kềnh càng phục vụ việc đúc tượng vua Trần Nhân Tông. Theo dự kiến, pho tượng khổng lồ, trị giá khoảng gần 70 tỉ đồng, phải được đúc xong trong năm 2010 nhưng vì thiếu kinh phí nên chưa thực hiện được. Khối sắt thép này vì thế vẫn đứng đó “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Cuối cùng, trên đỉnh 1.068m cao nhất Yên Tử, ngoài hai chùa Đồng (một bằng đồng thật, một xây bằng gạch) còn có cả một dãy hàng quán, thậm chí cả xưởng... làm ảnh. Ông Peter Phạm - Việt kiều Mỹ, quê gốc ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, từng nhiều lần đến Yên Tử - nhận xét: “Nên có một quy hoạch dài hơi, một cách nhìn khoa học để di tích lịch sử - văn hóa giữ được vẻ đẹp của sự cổ kính và tránh được sự bề bộn trong quá trình tôn tạo, tránh ảnh hưởng đến tâm linh”.
Một trong 2 lễ hội lớn nhất phía Bắc Khu di tích lịch sử - văn hóa Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội 120 km theo QL 18A, cách Hải Phòng 40 km theo QL10. Tại đây, hơn 700 năm trước, đức vua Trần Nhân Tông (1258-1308), một vị vua hiền và anh minh sau 15 năm tại vị và lập nên nhiều công trạng đã về đây tu hành và lập nên Thiền phái Trúc Lâm và xây dựng Yên Tử trở thành một trung tâm của Phật giáo nước Đại Việt. Tại Yên Tử, đức vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng nhiều công trình để làm nơi tu hành và giảng đạo, truyền kinh. Trong số đó, rất nhiều công trình còn lại đến ngày nay. Khu di tích Yên Tử ngày nay kéo dài khoảng 17 km, từ QL 18A đến đỉnh cao 1.068m là nơi cao nhất của dãy Yên Tử, là nơi giao giáp giữa hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Lễ hội Yên Tử được tổ chức vào mùa xuân hằng năm, từ khoảng ngày 10 tháng giêng đến 10 tháng ba âm lịch; mỗi lễ hội đón hàng triệu người hành hương (mùa hội 2010 đón khoảng 2 triệu khách). Lễ hội Yên Tử là một trong hai lễ hội lớn nhất ở phía Bắc, sau lễ hội chùa Hương khai hội ngày 6 tháng giêng vừa qua. Ngoài nhu cầu chiêm bái, tín ngưỡng, khách hành hương về Yên Tử còn được thưởng thức cảnh quan tuyệt đẹp của núi rừng vùng đông bắc. Trước đây, quãng đường khoảng 6 km từ bến xe Giải Oan đến đỉnh chùa Đồng còn là thử thách đối với nhiều du khách nhưng từ năm 2002, cáp treo đã giúp đưa khách lên tới Hoa Yên (tuyến 1) và An Kỳ Sinh (tuyến 2). Giá vé cáp treo khứ hồi lên xuống (4 tuyến) là 230.000 đồng, vé đi 1 tuyến là 70.000 đồng; nhờ có cáp treo, khách hành hương có thể lên xuống núi ngay trong ngày thay vì phải ngủ đêm ở Hoa Yên như trước. |
Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)