Theo đài CNN, thủ đô Cairo vỡ òa những tiếng reo hò vui mừng sau khi Phó tổng thống Omar Suleiman thông báo quyết định của ông Mubarak từ chức tổng thống và chuyển giao quyền lực cho Hội đồng Tối cao của quân đội Ai Cập. Tiếng reo vui “Ai Cập đã tự do” được cả người dân ở Tunisia và Dải Gaza chia sẻ.
Trước đó không lâu, đảng NDP cầm quyền xác nhận ông Mubarak và gia đình đã rời Cairo để đến thành phố nghỉ mát Sharm el-Sheikh trên bờ biển Đỏ, theo AFP. Cùng đi với ông Mubarak có trung tướng Sami Hafez Enan, tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang. Nhà lãnh đạo 82 tuổi cùng gia đình tháo chạy khỏi thủ đô giữa lúc hàng trăm ngàn người biểu tình xuống đường ở Cairo và thành phố Alexandria để đòi ông từ chức. Tại Cairo, theo BBC, những đám đông cuồng nộ tiến sát đến dinh Tổng thống và văn phòng của Đài truyền hình quốc gia ở trung tâm thủ đô. Quân đội dùng xe tăng, xe bọc thép và dây thép gai để cố ngăn họ xông vào những nơi này.
Cuộc khủng hoảng tại Ai Cập chuyển biến nhanh đến khó ngờ. Tối 10.2, Hội đồng Tối cao Quân đội gồm các tướng lĩnh cấp cao do Bộ trưởng Quốc phòng Hussein Tantawi dẫn đầu ra “Thông cáo số 1” nói họ “bắt đầu hành động để đảm bảo an ninh cho đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên truyền hình ngay sau đó, ông Mubarak nói sẽ chuyển giao một phần quyền lực cho Phó tổng thống Suleiman nhưng vẫn không từ chức, khiến những người biểu tình cảm thấy như bị dội gáo nước lạnh.
Đến hôm qua, nỗi thất vọng xen lẫn phẫn nộ tăng cao khi quân đội ra “Thông cáo số 2” ủng hộ ông Mubarak ở lại đến hết nhiệm kỳ và trấn an những người biểu tình rằng sẽ đảm bảo ông Mubarak thực hiện những cam kết cải cách dân chủ của mình. Những tưởng với sự ủng hộ của quân đội, nhà lãnh đạo Ai Cập sẽ tiếp tục cầm cự bất chấp những áp lực ngày càng tăng trong nước và quốc tế. Thế nhưng cuối cùng ông cũng đầu hàng và đi đến quyết định mà những người biểu tình chờ đợi suốt hơn 2 tuần qua.
Theo AFP, ngay sau khi biết tin ông Mubarak từ chức, EU đã lên tiếng ca ngợi nhà lãnh đạo Ai Cập “biết lắng nghe tiếng nói của nhân dân”. Israel thì mong có một sự chuyển giao êm đẹp. Các nước khác cũng đang theo dõi sát sao những diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi.
Khoảng hơn một triệu người đã đổ ra đường phố trên khắp Ai Cập trong ngày 11.2. Tại Cairo, người biểu tình đã tuần hành hướng về phía trụ sở đài truyền hình nằm dọc bờ sông Nile và hướng về khu dinh thự của ông Mubarak ở khu ngoại ô Heliopolis tiếp sau những buổi cầu nguyên ở quảng trường Tahrir Square, vốn là trung tâm của cuộc biểu tình. Tại thành phố Al Arish ở bắc bán đảo Sinai, đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng cảnh sát và khoảng 1.000 người biểu tình khi đám đông cuồng nộ nổ súng vào đồn cảnh sát ở đây. Đáp lại, lực lượng an ninh đã bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông biểu tình làm một người chết và 20 người khác bị thương.
Tuy nhiên, sự đổ máu của những người Ai Cập cuối cùng đã có kết quả như mong muốn. Thế nhưng theo giới quan sát, dù ông Mubarak không còn ngồi trên đỉnh cao quyền lực, tình hình Ai Cập khó có thể ổn định trong một sớm một chiều và cũng chưa thể đoán định số phận của ông. Đến khuya hôm 11.2 (giờ VN), cả ông Mubarak lẫn quân đội đều chưa có phát biểu chính thức.
Ông Hosni Mubarak sinh ngày 4.5.1928 tại làng Menufiyah ven sông Nile. Ông nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ không quân và nhiều lần tham gia chiến đấu chống Israel. Ông Mubarak trở thành Tổng thống Ai Cập năm 1981 sau khi Tổng thống Anwar Sadat bị ám sát. Trong thời gian cầm quyền, ông duy trì chính sách hòa bình với Israel và và hòa giải với phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Theo cáo buộc của phe đối lập, ông Mubarak và gia đình tích tụ được số tài sản khoảng 50-70 tỉ USD. Ông Mubarak sống sót qua 10 âm mưu ám sát, và ở độ tuổi 82, ông cuối cùng phải ra đi trước sự phẫn nộ của nhân dân. |
Trùng Quang
Bình luận (0)