Thường thì có hai nguyên nhân chính dẫn đến “chuột” rút là thiếu ô xy đến cơ hoặc thiếu nước và muối ăn. Các rối loạn điện giải có thể gây ra “chuột” rút gồm hạ canxi máu (thiếu canxi) hoặc hạ kali máu (thiếu kali), chẳng hạn như khi ra mồ hôi quá nhiều mà không được bù đắp.
Ở phụ nữ, sự hành kinh cũng gây ra “chuột” rút với mức độ nhất định tại vùng bụng gây đau lan tỏa ra thắt lưng và đùi. Lý do là vì máu phải chạy qua cổ tử cung nhiều hơn. Một số phụ nữ mang thai cũng hay bị “chuột” rút, nhiều khi vào ban đêm.
“Chuột” rút do thiếu ôxy có thể được chữa bằng việc hít thở sâu và làm dãn cơ. “Chuột” rút do thiếu nước và muối ăn có thể chữa bằng việc dãn cơ, uống thêm nước và ăn thêm muối. Khi đã bị “chuột” rút thì phải làm dịu cơn đau bằng các động tác đơn giản như sau:
- Nếu “chuột” rút ở bắp chân thì kéo chân ra, đồng thời ấn mạnh phần cuối của bắp chân trên một mặt phẳng cứng. Nếu bị rút ở đùi thì nhờ người khác dùng một tay đỡ gót chân để làm cho đầu gối của mình căng thẳng, tay kia ấn đầu gối xuống dưới. Sau đó xoa bóp vùng bị “chuột” rút.
- Nếu “chuột” rút ở bàn chân thì cầm đầu bàn chân kéo nhẹ rồi đứng dậy và đứng thẳng người một lúc nhưng không cho gót chạm đất.
- Có thể dùng dầu xoa bóp vùng bị “chuột” rút đồng thời bắt cơ bắp làm việc nhẹ nhàng đến khi hết “chuột” rút. Tắm nước nóng cũng tốt, giúp các cơ dãn ra, lấy lại tính đàn hồi.
- “Chuột” rút ở bàn tay tuy ít xảy ra nhưng có thể gặp ở những người phải sử dụng bàn tay với động tác lặp đi lặp lại trong thời gian dài (nhà văn, người chơi vĩ cầm...). Hãy kéo nhẹ các ngón, rồi xoa bóp bàn tay.
Cũng có thể phòng ngừa “chuột” rút bằng cách uống nhiều nước, ăn đủ muối khoáng hoặc cung cấp các chất này thường xuyên sau khi ra mồ hôi. Trước khi bơi lội hay hoạt động thể thao, cần khởi động kỹ để điều hòa tuần hoàn máu, tránh tiếp xúc với nước lạnh đột ngột, ăn uống đủ dinh dưỡng để giữ ấm cơ thể.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)