Điều hành tỷ giá

13/02/2011 00:30 GMT+7

Việc tăng tỷ giá VNĐ/USD theo “phong cách” điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được các chủ thể trên thị trường dự đoán là sẽ xảy ra sau Tết Nguyên đán Tân Mão, bởi lần điều chỉnh này đã cách điều chỉnh trước (18.8.2010) xấp xỉ 6 tháng- một khoảng thời gian cũng tương ứng sau lần điều chỉnh trước nữa (tháng 2.2010).

Sau các lần điều chỉnh trước, nhiều chuyên gia đã cho rằng “phong cách” điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước còn mang nặng tính chất “giật cục”. Lần điều chỉnh này còn mang tính “giật cục” hơn, bởi tuy biên độ giao dịch được thu hẹp từ 3% xuống 1%, nhưng tốc độ điều chỉnh khá cao, tới 9,3%, lên mức 20.693 VNĐ/USD, cao nhất từ trước đến nay, cả về mức giá, cả về tốc độ tăng! Với biên độ giao dịch mới, mức tỷ giá mới sẽ được giao dịch từ 20.486 - 20.900 VNĐ/USD.

Thông thường, sau các lần điều chỉnh trước, các ngân hàng thương mại khi giao dịch lựa chọn cận trên (+1%), mà chưa có lần nào lựa chọn cận dưới (-1%) của biên độ giao dịch; tuy nhiên, mức cao nhất của biên độ cũng chưa thực hiện ngay mà phải một thời gian sau; mức chênh lệch tỷ giá cũ giữa thị trường chính thức và thị trường tự do sẽ giảm xuống (do sự tăng lên của tỷ giá trên thị trường chính thức, còn tỷ giá trên thị trường tự do thì chưa tăng lên ngay), nhưng sau một thời gian, mức chênh lệch này sẽ lại gia tăng trở lại, nếu không được quản lý tốt thì còn cao hơn mức chênh lệch cũ như đã từng xảy ra. Đây là một cảnh báo cần thiết.

Việc điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD là sự cần thiết, xuất phát từ quan hệ cung- cầu ngoại tệ, bảo đảm tính thanh khoản của thị trường, góp phần kiềm chế nhập siêu… Tuy nhiên, tỷ giá được ví như một “cái huyệt” quan trọng, được “nối” với nhiều yếu tố và khi “bấm” nó sẽ làm “rúng động” đến các yếu tố khác. Tỷ giá VNĐ/USD tăng sẽ khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, nhưng trong điều kiện tỷ lệ xuất, nhập khẩu so với GDP của Việt Nam thuộc loại rất cao (lên đến 153,2%, cao thứ 5 thế giới), tỷ lệ nhập siêu lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu…, thì tỷ giá tăng cũng sẽ làm cho lạm phát ở trong nước bị khuếch đại lên, trong khi “nhập khẩu lạm phát” đang là nguy cơ của các nước mới nổi.

Cần lưu ý, lần điều chỉnh tỷ giá chỉ với trên 2% vào 18.8.2010 là một trong những yếu tố quan trọng làm cho CPI tăng mạnh từ tháng 9; trong khi mục tiêu nhất quán của năm 2011 là ưu tiên ổn định vĩ mô, trong đó kiềm chế lạm phát là ưu tiên của ưu tiên. Tỷ giá tăng cũng làm cho nợ nước ngoài của doanh nghiệp (cùng việc trích lập quỹ dự phòng tỷ giá) và của quốc gia tính bằng VNĐ sẽ tăng lên. Giá vàng ngoài việc phụ thuộc vào giá vàng thế giới (tính = USD), còn phụ thuộc vào tỷ giá VNĐ/USD; mặc dù tỷ giá VNĐ/USD được sử dụng trong việc tính toán, so sánh với giá vàng thế giới là tỷ giá trên thị trường tự do, mà tỷ giá này chưa tăng lên ngay nhưng một thời gian sau sẽ tăng và sẽ làm cho giá vàng ở trong nước tăng lên…

Dù sao, việc điều hành (tăng) tỷ giá là khó tránh khỏi, nhưng “phong cách” điều hành tỷ giá cần được nghiên cứu xem xét và lựa chọn thận trọng. Nếu thực hiện khoảng 3-6 tháng một lần và mỗi lần từ 2-3 đến 9,3% như lần này, thì tính “giật cục” rất cao, làm tăng đột ngột tỷ giá, dễ gây bất ngờ, tác động xấu đến kế hoạch làm ăn và tâm lý thị trường. Phải chăng, có thể áp dụng phong cách “trườn- bò”- bởi tỷ giá thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày - mỗi ngày tăng, giảm vài ba đồng/USD (tính ra nếu tăng thì cả năm cũng lên đến hàng nghìn đồng/USD), với “phong cách” này, việc tăng giảm được rải đều ra các ngày, tháng trong năm, tránh dồn đột ngột vào một thời điểm, hạn chế việc đầu cơ… Việc dồn vào một thời điểm hiện nay rất có thể sẽ “cộng hưởng” với các yếu tố khác, như giá cả trên thế giới (tính bằng USD) tăng; thực hiện lộ trình giá thị trường; hạ mặt bằng lãi suất...

Đào Ngọc Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.