Úc lo mất đất nông nghiệp

13/02/2011 23:17 GMT+7

Úc lo ngại tình trạng nông dân nước này trở thành người làm thuê trên đất của mình trước làn sóng “săn” đất nông nghiệp ồ ạt của nước ngoài.

Trong những năm gần đây, các công ty của Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước khác tăng cường mua đất nông nghiệp trên toàn cầu để bảo đảm nguồn cung lương thực trong lương lai. Theo ABC News, Trung Quốc hiện sở hữu nhiều đất tại châu Phi, Ả Rập Xê Út vừa mua được nhiều mảnh đất lớn tại Ethiopia, Sudan và Pakistan để trồng lúa mì, trong khi Hàn Quốc đẩy mạnh mua đất tại Nam Mỹ. Bà Anuhrada Mittal, Giám đốc điều hành Viện Oakland (Mỹ) ước tính khoảng 50 triệu ha đất trên toàn thế giới đã được bán. Tại Úc, chỉ trong 2 năm qua, tài sản nông nghiệp được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài có tổng trị giá lên tới 9 tỉ USD, theo tờ Daily Telegraph. Vài thương hiệu nông trại nổi tiếng của Úc như Golden Circle, SPC, Dairy Farmers và CSR Sugar đã rơi vào tay các nhà đầu tư nước khác, trong đó đáng chú ý là khách hàng Trung Quốc.

Nông dân muốn bán đất

Nhiều người nuôi bò sữa tại bang Tasmania đang muốn bán đất cho nước ngoài sau khi họ thất bại trong cuộc chiến đòi tăng giá sữa. “Hiện chi phí sản xuất 1 lít sữa là 38 cent (hơn 7.300 đồng) nhưng chúng tôi chỉ bán được có 31 cent”, nông dân Jim Hersey bày tỏ với ABC News. Nhân viên bất động sản Betty Kay cho biết cô đã giới thiệu hàng chục nông trại được rao bán ở Tasmanian tới các công ty thực phẩm lớn của Trung Quốc tại Triển lãm sữa thế giới ở tỉnh Sơn Đông hồi tháng 6.2010. “Các nhà đầu tư (Trung Quốc) sẽ đến đây và chắc chắn sẽ có nhiều nông dân trao đất cho họ”, cô Kay nhận định. Luật sư Richard Bovill, người đại diện cho hội nông dân của bang, thì cho hay nhiều chủ nông trại nhỏ đã phải chịu cảnh làm thuê trên mảnh đất từng thuộc về họ.

Ông Trình Hiệp, phát ngôn viên của Fukushoku Dairy, công ty sữa Trung Quốc tại bang New South Wales, nói rằng các công ty nhà nước Trung Quốc ngày càng quan tâm tới việc mua đất tại Úc. ABC News dẫn lời ông Trình khẳng định: “Đang có ít nhất 2 hoặc 3 công ty lớn quan tâm đầu tư vào nông trang ở Úc hoặc New Zealand”.  Trong khi đó, một giáo sư họ Chu tại ĐH James Cook (Úc) nhận định bản thân các công ty nông nghiệp Trung Quốc không đủ vốn mua nhiều đất của Úc vì giá rất cao. Theo ông, xu hướng thu mua hàng loạt hiện nay nằm trong chính sách bảo đảm an ninh lương thực của chính phủ Bắc Kinh và các doanh nghiệp đều có hỗ trợ của nhà nước. Ông Chu nói trong trường hợp cần thiết, các nông trang thuộc sở hữu Trung Quốc ở nước ngoài sẽ đưa lương thực, thực phẩm ngược trở lại nước này.

Có thể mua cả một quận

Trước tình hình này, thượng nghị sĩ Bill Heffernan nhận định Úc có nguy cơ mất quyền kiểm soát các vùng đất nông nghiệp trù phú của mình. Ông giải thích Ban Xem xét đầu tư nước ngoài (FIRB) hiện không có quy định kiểm soát việc người nước ngoài mua đất nông nghiệp. Ngoài ra, chính phủ không quan tâm đúng mức tới thực tế rằng trong bối cảnh an ninh lương thực đang bị đe dọa vì biến đổi khí hậu, một số nước giàu đang đầu tư có chiến lược lâu dài vào đất nông nghiệp ở các nước khác. Người đứng đầu Phòng Chính sách thương mại thuộc FIRB Patrick Colmer thừa nhận rằng với các quy định đầu tư hiện hành, một công ty nước ngoài có thể mua cả một quận của Úc, từ nông trại này đến nông trại khác mà không gặp phải sự kiểm soát nào. “Không ai giám sát việc bao nhiêu đất nông nghiệp bị bán”, tờ Daily Telegraph dẫn lời thượng nghị sĩ Nick Xenophon. Do đó, nhiều nghị sĩ muốn FIRB được trao quyền kiểm soát đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Christine Milne đề nghị Úc cần gấp một chiến lược an ninh lương thực quốc gia để bảo vệ tài sản nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực. Theo bà, nếu Úc không giữ được vị thế một trong những nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp hàng đầu cho thế giới thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra bất ổn vì thiếu lương thực tại những láng giềng gần nhất của nước này và cả châu Á. Bà Milne nêu rõ: “Chúng ta cần nghiên cứu những vùng đất trọng điểm để phát triển lương thực cho tương lai và tận lực bảo vệ chúng. Nếu không, chúng ta không những gây hại cho chính mình mà còn cả thế giới”. Nghị sĩ Milne nhấn mạnh phải bảo vệ đất và nguồn nước như là một phần “chủ quyền quốc gia”.

Ngoài đất nông nghiệp, nhiều công ty Anh và Mỹ đã bỏ ra hàng triệu USD mua quyền sử dụng nước tại Úc vì tiềm năng của thị trường này rất lớn. Một công ty Singapore cũng đã mua quyền sử dụng 98 tỉ lít nước, theo ABC News. Nghị sĩ Heffernan cho rằng Úc sẽ mắc sai lầm lớn nếu cho các công ty nước ngoài mua hết giấy phép sử dụng nước để đầu cơ. Còn luật sư Bovill nhận định Úc vừa biến nước thành mặt hàng thương mại nhưng không lường được hậu quả lâu dài.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.