Lạm dụng “đồng tính” trên phim Việt

14/02/2011 18:05 GMT+7

Quá nhiều nhân vật đồng tính xuất hiện trên phim điện ảnh lẫn truyền hình Việt thời gian qua nhưng mẫu số chung vẫn chỉ là tác nhân gây cười, đôi khi bị lạm dụng dẫn đến phản cảm.

Phim truyền hình tràn ngập “bóng”

Bước chân hoàn vũ đề cập đến hậu trường các cuộc thi nhan sắc xuất hiện nhân vật đồng tính John Phạm (Cao Thái Sơn) hay Nhật (Cao Minh Đạt) và Vương (Thành Được) trong phim Tha thứ cho anh cũng là một đôi đồng tính. Anh em nhà bác sĩ (phiên bản Việt) chen vào nhân vật bác sĩ thực tập thuộc dân đồng tính. Hay Hùng Long (Đức Hải) trong Cô gái xấu xí là nhà thiết kế đồng tính đanh đá, đồng bóng. Hàng loạt phim truyền hình khác cũng “cố” chen vào một, hai nhân vật “bóng” cốt để mang lại tiếng cười cho khán giả như: Ngôi nhà có nhiều cửa sổ, Những ngôi sao ban ngày, Xúc xắc tình yêu, Chạy án, Vòng nguyệt quế, Những cánh hoa bay…

Đa số nhân vật đồng tính trên phim truyền hình đều thiếu chiều sâu tâm lý, xuất hiện hời hợt, đôi khi trở thành cực đoan (đanh đá, chanh chua, quá quắt…), hoàn toàn không phản ánh được những nỗi niềm, khắc khoải của những người thuộc thế giới thứ ba này.

Điện ảnh cũng lạm dụng

Từ sau “phát pháo” mở đầu của đạo diễn Lê Hoàng với Gái nhảy, Lọ lem hè phố rồi Trai nhảy, xu hướng khai thác đề tài đồng tính trên phim Việt bắt đầu nở rộ. Tiếp theo sau, hàng loạt phim ra đời ít nhiều chen nhân vật đồng tính vào để tạo sự tò mò nơi khán giả như Những cô gái chân dài, Những nụ hôn rực rỡ, Để Mai tính, Em hiền như ma-sơ… Thậm chí phim chiếu tết vừa qua Thiên sứ 99 cũng lồng vào nhân vật thần mây, thần gió tính cách ẻo lả, đồng bóng - những đặc tính của người đồng tính mà phim Việt thường khai thác. 

Hội (Thái Hòa) trong Để Mai tính là một trong số ít nhân vật đồng tính được khán giả yêu thích. Nhưng yêu thích chỉ do nét diễn xuất hài hước, đạt yêu cầu của một chàng “bóng” thời hiện đại chứ khán giả vẫn thấy điều gì đó chua chát cho nhân vật này, hoàn toàn chưa đạt đến sự đồng cảm hay chạm đến cảm xúc bên trong. Trấn Thành (vai bầu sô Trần Hàn Vi) trong phim Em hiền như ma-sơ đẩy nhân vật đồng tính sang một thái cực khác mang tính phản diện cộng với cách diễn quá cường điệu bằng những ngôn từ “chợ búa” rất vô văn hóa của anh khiến đa số dân đồng tính thật sự cảm thấy khó chịu.

Không có nhân vật đồng tính nào trên phim Việt làm được những gì mà Heath Ledger và Jake Gyllenhaal đã thể hiện trong Brokeback mountain của đạo diễn Lý An hay Keanu Reeves và River Phoenix trong My own private Idaho do Gus Van Sant đạo diễn và xa hơn nữa là Boys don’t cry của đạo diễn Kimberly Peirce sản xuất năm 1999. Một cái nhìn cảm thông, đồng cảm với người đồng tính cả trên phim lẫn ngoài đời là nét văn hóa cần có của tất cả mọi người, không riêng những ai đang làm nghệ thuật. Xây dựng nhân vật đồng tính trên phim với mục đích gây cười - đôi khi không đúng chỗ sẽ gây tác dụng ngược với người trong giới còn khán giả thì chỉ thấy phản cảm.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.